Việt Nam hiện chỉ có duy nhất 1 đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Đây được ví như chiếc cầu nối liên thông việc chuyển tiền giao dịch giữa các ngân hàng với nhau, hoặc giữa ngân hàng với đại lý bán hàng... Dù muốn hay không, việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị “đơn thương độc mã” trong dịch vụ này cũng được hiểu rằng có “độc quyền” - đồng nghĩa với việc tự quyết định giá, chất lượng dịch vụ, mức độ đáp ứng của công nghệ… dẫu có thế nào cũng không có lựa chọn thứ hai. Quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ, một khi xảy ra sự cố nghẽn mạch, chúng ta hoàn toàn không có phương án dự phòng nào, rủi ro ảnh hưởng đến tài chính Quốc gia là điều cần cảnh báo.
Từ nhiều năm nay, chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy Chuyển đổi số và Tài chính toàn diện được Chính phủ hết sức quan tâm. Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã bước đầu thay đổi thói quen và hình thành nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Điều này đòi hỏi cần có hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để thực hiện việc chuyển mạch tài chính, giúp việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử được nhanh chóng, tiện lợi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất một đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển mạch tài chính, trong khi các quốc gia trên thế giới đã đa dạng hóa kênh cung cấp dịch vụ này. Hàn Quốc có tới 16 đơn vị, Nhật Bản là 11, Mỹ có 10… Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, Singapore và Phillipines cũng đều có từ 2 đến 5 đơn vị. Nếu chỉ dựa vào duy nhất một hệ thống chuyển mạch hiện nay rất khó để giảm phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch và đẩy nhanh phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.
Đơn vị duy nhất được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tại Việt Nam hiện nay được sáp nhập từ hai công ty riêng lẻ từ năm 2014. Cổ đông chính chiếm 49% vốn điều lệ và 15 Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam chiếm phần còn lại. Tuy nhiên con số 49% vốn điều lệ chưa phải là tất cả nếu như tính thêm phần sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần của Cổ đông chính tại công ty chuyển mạch này xấp xỉ 65% (do Cổ đông chính cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng đó).
Trong mô hình cơ cấu tổ chức của đơn vị này, ngoài Chủ tịch HĐQT thì hai Phó Chủ tịch HĐQT đều là hai phó Tổng giám đốc hai ngân hàng lớn trong khối Big4. Sáu thành viên HĐQT thì có tới 3 thành viên đều là lãnh đạo cao cấp của ba ngân hàng thương mại.
Đơn vị duy nhất này hiện đang cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính trung bình gần 2,8 triệu giao dịch/ngày, giá trị quyết toán trung bình 21.000 tỉ đồng/ngày - thông tin này được chính lãnh đạo đơn vị trên phát biểu tại toạ đàm trực tuyến diễn ra vào hồi tháng 5.2020.
Có thể thấy, lợi nhuận từ việc chuyển mạch tài chính lớn đến thế nào khi khối lượng giao dịch thông qua ATM, thanh toán POS, thanh toán giao dịch thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua ứng dụng Mobile Banking, Internet banking của 45 ngân hàng thương mại, cung cấp dịch vụ thanh toán cho dịch vụ công, dịch vụ tiện tích như: điện, nước, cước bưu chính, học phí, viện phí…
Thực tế, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay ngày càng gia tăng, việc cho phép thêm đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ góp phần tạo thêm các nguồn lực xây dựng và phát triển các hạ tầng thanh toán điện tử, giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý giao dịch, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước lại cho rằng: “Việc quản lý chặt chẽ đối với các thành viên tham gia vào thị trường sẽ giúp đơn giản hóa việc kết nối trong nội địa giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (thay vì cho phép nhiều tổ chức tham gia dẫn đến hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật không đồng bộ, tồn tại nhiều kết nối do mỗi đơn vị chuyển mạch xây dựng, triển khai bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và nghiệp vụ khác nhau); đơn giản hóa việc kết nối thanh toán giữa các quốc gia; đơn giản hóa việc kết nối thanh toán với các tổ chức chuyển mạch quốc tế và việc gửi/nhận các giao dịch, xử lý tra soát và xử lý quyết toán thông qua ít đầu mối thay vì thực hiện qua nhiều đầu mối. Qua đó, giảm thời gian xử lý giao dịch và xử lý tra soát khiếu nại từ phía khách hàng, đẩy nhanh tốc độ thanh toán của toàn bộ nền kinh tế.
Thực tế, hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn vẫn rất thiếu.
Trên thực tế, nhu cầu tham gia thị trường chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã từng được một số tập đoàn lớn lên tiếng đề nghị được tham gia. Thời điểm năm 2018, trong một buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT từng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo cấp phép cho doanh nghiệp Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân.
Bởi theo quan điểm của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp này đều có tiềm lực mạnh mẽ cả về khoa học, công nghệ, tài chính, hạ tầng kỹ thuật và kênh bán hàng bao quát cả nước. Nhiều dẫn chứng được đưa ra khi việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn và lợi thế của các nhà mạng đều nhìn thấy rõ.
Tới thời điểm hiện tại, hàng loạt giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ví điện tử, Mobile Money… đang được cả Chính phủ và xã hội hưởng ứng rất tích cực. Xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, cơ cấu giao dịch đang có sự dịch chuyển từ giao dịch rút tiền mặt sang chuyển mạch giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên ngân hàng.
Những giao dịch đơn thuần nhất mà người dân có thể sử dụng dịch vụ này như: thu - nộp thuế, phí, lệ phí, thu - phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí...), chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội… không dùng tiền mặt cũng đang được đẩy mạnh và trong tương lai, chắc chắn tốc độ tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn các cơ hội cũng như nguy cơ đang đè nặng lên hệ thống khi chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử. Điều dễ nhìn thấy nhất, chính là cơ hội để giảm phí, tăng tốc độ giao dịch, đẩy nhanh phổ cập tài chính.
Nếu chỉ cần thực hiện một việc rất nhỏ, ví dụ như miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) của các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương trong vòng chưa đầy 1 năm hoặc giảm phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng với các gói giao dịch nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Đơn vị cung cấp dịch vụ có thể sụt giảm doanh thu tới 15% (như công bố của đơn vị này khi thực hiện chương trình trên hồi đầu năm 2020), như vậy đủ thấy nếu có cạnh tranh, thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thì lợi ích người dân sẽ được nhìn thấy ngay trong các giao dịch thông dụng nhất.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, việc Nhà nước cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp được phép tham gia cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử sẽ hướng tới thị trường cạnh tranh, chất lượng dịch vụ nâng lên, phí giao dịch ngày càng giảm.
Trở sang một sự kiện ít nhiều có liên quan về nguy cơ đối với hệ thống là sự tắc nghẽn của sàn giao dịch chứng khoán HOSE thời gian gần đây, nghiêm trọng tới mức Bộ trưởng Bộ Tài chính phải chỉ đạo Thanh tra sàn HOSE. Khi chưa có kết luận chính thức, giới đầu tư bức xúc và nhiều thông tin đồn thổi về không minh bạch trong điều hành chính là ví dụ điển hình của hạn chế giao dịch điện tử khi sự cố xảy ra. Sự việc chưa thể phân bua nhưng niềm tin rõ ràng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giới đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp có thể bỏ HOSE (sự thực nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang giao dịch tại HNX), nhưng ở dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, cơ hội ấy không dành cho các “thượng đế” vì ngoài việc chấp nhận, lựa chọn thứ 2 chính là “tự hủy hoại” mình.
Chia sẻ với Lao Động, các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nếu có thêm ít nhất 1 đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc gia, nguy cơ về việc xảy ra khủng hoảng nghẽn mạch, sự cố hay thiếu minh bạch đều sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.
Có thể sử dụng số liệu công khai này của đơn vị duy nhất đang cung cấp dịch vụ chuyển mạch Quốc gia và bù trừ điện tử: Năm 2019, doanh thu là 2.239 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 631 tỉ đồng. So với năm 2018, mức độ tăng trưởng lần lượt là 41% và 58%.
Và nếu so sánh với thời điểm xa hơn - năm 2015, năm 2019 của đơn vị này có doanh thu cao gấp 3 lần và lợi nhuận gộp sau thuế gấp gần 6 lần. Điều này thể hiện tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, dư địa cực lớn và quan trọng hơn cả, đó là lợi nhuận còn tăng trưởng khủng khiếp hơn mức độ tăng trưởng của doanh thu.
Cùng thời điểm này, hãy nhìn kết quả hoạt động của một số ví điện tử phổ biến tại Việt Nam như Momo, Zalopay, SenPay, Moca… tùy mô hình của từng đơn vị, mức lỗ dao động từ gần 150 tỉ đồng đến gần 900 tỉ đồng.
Sự kết nối để so sánh này có khập khiễng hay không? Hoàn toàn không bởi điểm chung ở đây chính là trong khi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ví điện tử đang bù lỗ vì thường xuyên tung ra chiêu khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, thì lợi nhuận của đơn vị duy nhất kinh doanh chuyển mạch tài chính Quốc gia và bù trừ điện tử chính là thu phí từ dịch vụ gần 50 ngân hàng.
Dưới tác động của dịch COVID-19, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục đạt mức tăng trưởng vượt bậc.
Càng bùng nổ giao dịch không dùng tiền mặt, nhu cầu thanh toán không tiền mặt càng lớn, giao dịch thông qua ngân hàng càng tăng thì lợi nhuận thu về từ dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử chắc chắn càng như “nước lũ”.
Câu hỏi này đã được Chính phủ giải quyết bằng “đại lộ” Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-CP ngày 22.1.2020 do Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt.
Quay trở lại với quan điểm của Bộ TT&TT hồi năm 2018, rằng: chúng ta đã có các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mẽ cả về khoa học, công nghệ, tài chính, hạ tầng kỹ thuật và kênh bán hàng...
Vấn đề còn lại, ai và bao giờ những tấm giấy phép có thể được trao – như chiếc chìa khóa mở rộng cánh cửa bước vào thế giới thực sự không tiêu dùng tiền mặt, và ở đó, không chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp mà quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, người dân được quan tâm, ưu tiên và ưu đãi nhiều hơn.
Xem thêm: odl.187129-pehp-pac-ohc-nav-gnas-nas-ad-aig-couq-hnihc-iat-hcam-neyuhc-ehc-oc/enizagame/nv.gnodoal