Theo báo cáo phân tích thị trường vừa công bố sáng 18-6, Công ty chứng khoán MBS cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã có sự khởi đầu thuận lợi.
Theo đó, kể từ đầu năm 2021 cho đến cuối tháng 5, chỉ số VN-Index đã tăng 15,8% và trở thành chỉ số có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu.
Trong khi mức tăng ở thị trường Mỹ và Châu Âu là 11%, thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ 3,2%, thậm chí chứng khoán khu vực Đông Nam Á giảm 2,9%.
Dù thị TTCK đã tăng mạnh, nhưng MBS cho rằng mức định giá hiện vẫn đang ở mức hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Xét về mức định giá, tới cuối tháng 5-2021, P/E ngành chứng khoán của Việt Nam là 13,94 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E ngành chứng khoán của Ấn Độ là 20,99 lần và Indonesia là 67,88 lần.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo sợ thị TTCK Việt Nam hiện nay có đặc điểm của giai đoạn bùng nổ năm 2007, sau đó đổ vỡ vào đầu 2008 và đi vào giai đoạn thoái trào cho đến tận năm 2015.
Phân tích, đối chiếu từ các dữ liệu giữa giai đoạn trước và hiện tại, các chuyên gia phân tích tài chính của FiinGroup cho rằng: Nhận định trên có vẻ hợp lý nếu nhìn vào yếu tố lực kéo của dòng tiền đang “ào ạt” đổ vào thị trường và một tâm lý “sợ nhỡ tàu” của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Tuy nhiên TTCK hiện nay không có rủi ro lớn như vậy nếu xem xét ở hai góc độ: Thứ nhất, ở giai đoạn 2006-2007 thị trường thu hút cả dòng tiền trong nước và dòng tiền của khối ngoại nhưng hiện nay lực đỡ của thị trường lại chủ yếu dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước còn khối ngoại tiếp tục “xả hàng” mạnh mẽ.
Thứ hai, khi rà soát lại các chỉ số định giá tại thời điểm cuối quý 1 năm 2007 (khi VN-Index giao động quanh mức 1.130 điểm) thì quả thực các chỉ số định giá lúc đó ở mức rất cao so với giai đoạn hiện nay.
Cụ thể là P/E của VN-Index lúc đó ở mức 31,4x và P/B ở mức 8,9x với chỉ gần 140 cổ phiếu niêm yết trên sàn và có tổng vốn hóa đạt khoảng 364.000 tỉ đồng, thanh khoản hàng ngày bình quân 1.200 tỉ đồng.
Trong khi hiện nay, giá trị thanh khoản trên toàn thị đã tăng gấp khoảng 17 lần, tăng 14 lần về giá trị vốn hóa và tăng 9 lần về số lượng tài khoản chứng khoán trong khi mức định giá ở mức thấp và hợp lý hơn nhiều lần.
Riêng cổ phiếu ngân hàng lúc đó với 2 ngân hàng niêm yết, có định giá P/E chỉ ở mức 21x nhưng P/B ở mức lên tới 9,6x. Trong khi hiện nay 27 ngân hàng niêm yết tại thời điểm hiện tại có P/E chỉ 15,5x và P/B ở mức 2,6x.
Quả thật, thống kê của Công ty chứng khoán MBS cho thấy tính đến cuối tháng 5, thanh khoản giao dịch bình quân cả 3 sàn theo tháng ghi nhận mức cao kỷ lục 20.767 tỉ đồng/phiên (tăng tới 185% so với bình quân năm 2020).
Thanh khoản đã tăng từ mức 16.725 tỉ đồng/phiên trong tháng 2 lên mức 25.037 tỉ đồng/phiên kể từ đầu tháng 5 nhờ lượng tài khoản mở mới liên tục. Lượng tài khoản duy trì bình quân trên 100.000 tài khoản/tháng trong 3 tháng liên tiếp và lượng margin trên thị trường cuối quý 1 cũng trên 110.000 tỉ đồng đã đưa thanh khoản thị trường lập các kỷ lục mới.
Tuy nhiên, FiinGroup cũng nhấn mạnh rằng TTCK luôn có nhiều rủi ro. Vấn đề đáng quan tâm nhất với các nhà đầu tư đó là với việc hàng trăm doanh nghiệp niêm yết đã và dự kiến thực hiện kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn tới 102.600 tỉ đồng trong năm 2021, sẽ làm tăng áp lực pha loãng, kéo theo nguy cơ giảm lãi cơ bản trên cổ phiếu.
Cụ thể, việc tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng. Điều này sẽ làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các cổ đông nội bộ có xu hướng bán ra cổ phiếu mạnh cũng khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên.