Đi tìm sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021
Chánh Trung
(KTSG Online) – Ngày 18-6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021 nhằm tìm kiếm, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận.
Trong ảnh là khách tham quan tại một cuộc triển lãm sản phẩm công nghệ vào năm 2020. Ảnh: TTXVN |
Đây là năm thứ hai giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021 vẫn giữ nguyên 5 hạng mục gồm: nền tảng số xuất sắc; sản phẩm số xuất sắc; giải pháp số xuất sắc; thu hẹp khoảng cách số; và sản phẩm số tiềm năng.
Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam” năm 2021 nhằm tìm kiếm, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông |
Thời gian nhận đăng ký và hồ sơ tham gia Giải thưởng từ ngày 20-6-2021 đến hết ngày 20-9-2021. Trong thời gian từ 20-6 đến 20-7-2021, doanh nghiệp có thể đăng ký sơ bộ và nhận được sự hướng dẫn của cơ quan thường trực phụ trách giải thưởng để chuẩn bị hồ sơ theo quy chế. Hình thức gửi hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử giải thưởng: makeinvietnam.mic.gov.vn và makeinvietnam.vcci.com.vn. |
Năm 2021 có các giải: giải Vàng, giải Bạc và giải Đồng cho 4 hạng mục nền tảng số xuất sắc; sản phẩm số xuất sắc; giải pháp số xuất sắc; thu hẹp khoảng cách số. Riêng đối với hạng mục sản phẩm số tiềm năng chỉ áp dụng đối với các đơn vị tham gia là các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chỉ công bố Top 10.
Các sản phẩm được tôn vinh sẽ phải thỏa mãn 2 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế. Trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng là 40 (chiếm khoảng 70%). Giải thưởng cũng khuyến khích các sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở hạng mục Sản phẩm số tiềm năng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá để phát triển tiếp với mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các sản phẩm công nghệ tốt, đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 59.000 doanh nghiệp công nghệ số, hướng tới mục tiêu 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025 nhằm hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam lớn mạnh và đa dạng, đóng góp chung vào sự phát triển chung của nền kinh tế số, quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, năm nay các đơn vị tham gia đạt giải còn được ưu tiên xem xét đưa vào danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm trong cơ quan nhà nước; danh sách các dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó còn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Được trao đổi, tham vấn, phản biện về các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình phát triển của ngành và định hướng phát triển sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm. |
Xem thêm: lmth.1202-manteiv-ni-ekam-os-ehgn-gnoc-mahp-nas-mit-id/245713/nv.semitnogiaseht.www