Tổng thống Biden (giữa) trong cuộc gặp với hai lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ) vào ngày 15-6 - Ảnh: Reuters
Theo báo Wall Street Journal, trọng tâm hợp tác tương lai giữa Mỹ và EU là "Hội đồng công nghệ và thương mại cấp cao" (TTC), một sáng kiến được công bố hôm 15-6 nhằm thúc đẩy đổi mới và đầu tư giữa hai khu vực kinh tế, tăng cường chuỗi cung ứng và ngăn chặn những trở ngại không cần thiết đối với thương mại.
Liên minh sản xuất chip
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, bà Vestager - phụ trách chính sách cạnh tranh, kỹ thuật số của EU - cho rằng Mỹ và EU sẽ có được thành tựu hợp tác lớn đầu tiên thông qua TTC do có những điểm chung.
Chẳng hạn, EU gần đây đã công bố mục tiêu tăng thị phần sản xuất chip toàn cầu từ 10% lên 20% và cam kết chi hơn 150 tỉ USD cho nỗ lực này. Tại Mỹ, Thượng viện nước này gần đây cũng đã thông qua dự luật rót hơn 250 tỉ USD cho đổi mới công nghệ và sáng tạo.
Nhiều doanh nghiệp thể hiện ủng hộ sự hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp sản xuất chip và chất bán dẫn, cho rằng đây là điều cần làm để lấy lại sự thống trị của phương Tây.
Hiện các công ty Trung Quốc vẫn đang tụt hậu so với phương Tây, tuy nhiên những doanh nghiệp này có được sự hậu thuẫn chính trị và tài chính mạnh mẽ từ chính quyền.
Hàng tỉ USD đang được chính quyền Bắc Kinh đổ vào ngành công nghiệp này đã giúp Trung Quốc từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.
"Dù còn hơi sớm để nói về các hợp tác, tôi nghĩ cả hai bên đều đã thấy rõ tiềm năng hợp tác" - bà Vestager nêu quan điểm. Mỹ và EU cũng sẽ tìm cách điều chỉnh các chính sách và tiêu chuẩn đối với các công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI).
Muốn đặt ra các tiêu chuẩn tầm quốc tế, cả Washington và Brussels hiểu rõ trước tiên họ cần tiến bộ hơn tất cả phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực AI.
"Chúng tôi cam kết xây dựng quan hệ đối tác Mỹ - EU theo hướng tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn nhằm tăng cường an ninh nguồn cung cho Mỹ và EU cũng như năng lực thiết kế và sản xuất các chất bán dẫn mạnh mẽ nhưng tiết kiệm tài nguyên nhất", tuyên bố chung Mỹ - EU ngày 15-6 nhấn mạnh.
Gác tranh chấp
Tuyên bố chung Mỹ - EU hôm 15-6 đồng ý hòa giải, tạm dừng tranh cãi liên quan trợ cấp công nghiệp sản xuất máy bay giữa Boeing (Mỹ) và Airbus (EU). Những tranh chấp này đã kéo dài suốt 17 năm, thuộc diện dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại thế giới.
Nhà Trắng khẳng định việc tạm dừng tranh chấp trong 5 năm sẽ giúp Mỹ và EU "giải quyết các thách thức chung là Trung Quốc".
Một tuyên bố khác của Washington nhấn mạnh sự kiện Mỹ - EU hòa giải sẽ giúp hai bên "thách thức và chống lại các hành vi phi thị trường của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không, vốn mang lại cho các công ty của Trung Quốc một lợi thế không công bằng".
Mặc dù vậy, chính quyền Biden vẫn giữ thuế nhôm và thép EU ở mức như người tiền nhiệm Donald Trump đã áp đặt.
Báo South China Morning Post trích lời ông Martijn Rasser, một cựu quan chức tình báo Mỹ, cho rằng nội dung hợp tác trong TTC nên "rộng và thực chất".
Theo ông, Mỹ và EU có thể bàn về việc cùng đầu tư vào các mỏ đất hiếm mới, tăng cường năng lực khai thác, hợp tác tái chế đất hiếm và nghiên cứu lâu dài để tạo ra các chất nhân tạo mới có thể thay thế đất hiếm.
Bắc Kinh nói gì?
Trung Quốc tin rằng "sự khác biệt lợi ích" giữa Mỹ và EU sẽ làm thất bại các hợp tác giữa hai bên nhằm đối đầu Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15-6 cáo buộc Washington đang cố gắng tạo ra sự bất hòa trong quan hệ Trung Quốc - EU, nhấn mạnh các nước châu Âu sẽ không theo lời Mỹ. "EU là một thực thể độc lập. Các nước EU sẽ không tự ràng buộc chính mình vào chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ" - phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
TTO - Dong Jingwei, thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, đã xuất hiện trong... một bài báo về phản gián ngày 18-6 giữa lúc có nhiều thông tin ông đã cao chạy xa bay sang Mỹ cùng các tài liệu tuyệt mật về COVID-19.
Xem thêm: mth.88395018091601202-couq-gnurt-iov-ueihc-gnut-ua-ym/nv.ertiout