Hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là các hãng hàng không đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản trước tác động nặng nề của dịch COVID-19. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính, hỗ trợ để doanh nghiệp vận tải có thể khôi phục hoạt động kinh doanh.
Vận tải trên bờ vực phá sản
Theo ông Đỗ Văn Bằng (chủ hãng vận tải Sao Việt), từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động chỉ cầm chừng hiện chỉ có 5 xe hoạt động trên tổng số 100 xe của doanh nghiệp. Theo ông Bằng, trước khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe Sao Việt chi khoảng 3 tỉ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên. Hiện nay, dù không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh nhưng để giữ chân lao động, doanh nghiệp vẫn phải chi gần 1 tỉ đồng/tháng tiền lương, bảo hiểm và chi phí bảo trì xe nằm bãi.
“Doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng vẫn phải chịu rất nhiều khoản chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ…” - ông Bằng cho biết thêm.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách phía Bắc - cho biết, toàn bộ hơn 100 xe khách chạy liên tỉnh và xe buýt kế cận chạy tuyến Hà Nội đi Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương hiện đang bị “đắp chiếu”. Trong khi không có nguồn thu, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán lãi vay cho ngân hàng, phải thanh toán đúng kỳ. Hơn nữa dù xe “đắp chiếu”, đơn vị vẫn phải chi trả phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện trung bình là 400.000 đồng/tháng (tổng cộng 40 triệu đồng/tháng), trong khi chưa có chính sách miễn, giảm, khoản phí bảo trì này khiến doanh nghiệp càng thêm chồng chất khó khăn.
Với hàng không, thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đã khiến Bộ KHĐT đưa ra cảnh báo rằng, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5 - 65,9% so với năm 2019. Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Trường hợp tình hình COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành Hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch…
Đơn cử như Vietnam Airlines dự kiến số lỗ của quý I/2021 ở mức 4.800 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỉ đồng. Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỉ đồng và đang rơi vào trạng thái rất khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỉ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Hiện hơn 9.000 người lao động đang trong chế độ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng. Cùng với đó, các hãng hàng không tư nhân như: Bamboo Airways và Vietjet cũng gặp nhiều khó khăn và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sụt giảm trên 50% doanh thu vận tải hành khách năm tháng vừa qua do người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách.
Gỡ khó cứu doanh nghiệp vận tải
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền. Theo đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.
Theo Bộ Tài chính, dự báo kinh tế trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...), cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính theo đó có văn bản gửi các bộ ngành xin ý kiến liên quan đến dự thảo Thông tư quy định mức thu 30 khoản phí, lệ phí và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.7.2021 đến 31.12.2021 để đảm bảo tính liên tục. Phản hồi văn bản này, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính bổ sung đánh giá cụ thể về tác động của việc giảm phí, lệ phí đối với tình hình thực hiện dự toán thu phí, lệ phí năm 2021, trên cơ sở đó tham mưu mức thu phí, lệ phí cụ thể cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31.12.2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31.12.2021.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện bộ này đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch COVID-19; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31.12.2021.
Xem thêm: odl.099129-iat-nav-peihgn-hnaod-uuc-iaig-yaoh-yaol-nav/et-hnik/nv.gnodoal