Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,3 triệu ca mắc và hơn 616.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Thành phố New York, nơi từng là tâm dịch lớn nhất của nước Mỹ, lại đang đi đầu về tỷ lệ tiêm vaccine. Để làm được điều này, ngoài động viên người dân đi tiêm, tuyên truyền về tính khoa học của vaccine, thành phố này đang tận dụng từng biện pháp tâm lý để thu hút nốt số người dân còn bận hay lưỡng lự trước vaccine.
Hãng dược phẩm Moderna thông báo, Chính phủ Mỹ đã đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng này. Theo Moderna, 110 triệu liều sẽ được bàn giao vào quý IV/2021 và 90 triệu liều còn lại sẽ được giao trong quý đầu tiên của năm 2022. Các liều vaccine mua bổ sung này là nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine của Mỹ sẽ không bị gián đoạn trong quý I/2022. Như vậy, đến nay, Mỹ đã đặt mua tổng cộng 500 triệu liều vaccine của Moderna .
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/6, nước này ghi nhận hơn 62.400 ca mắc mới COVID-19 và trên 1.300 trường hợp tử vong. Như vậy, trong nhiều ngày qua, Ấn Độ đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức dưới 70.000 trường hợp/ngày. Hiện tổng cộng trên 29,7 triệu người mắc, bao gồm hơn 383.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Nhà chức trách Ấn Độ đã phát hiện ít nhất 100.000 kết quả xét nghiệm giả âm tính COVID-19. Những kết quả này được thực hiện bởi một số tổ chức tư nhân xét nghiệm cho người hành hương tham dự Kumbh Mela, lễ hội tôn giáo lớn tại Ấn Độ trong tháng 4. Lễ hội này thu hút hàng triệu tín đồ và việc làm giả xét nghiệm âm tính có thể là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan mạnh ở lễ hội, qua đó làm bùng phát dịch COVID-19 tại Ấn Độ. Thời báo New York cho biết, làm giả kết quả xét nghiệm COVID-19 là vấn đề xảy ra khá thường xuyên tại Ấn Độ. Một vài đơn vị không hề xét nghiệm nhưng khai khống giấy tờ để tính chi phí lên chính quyền địa phương.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 493.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 17,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ấn Độ đã phát hiện ít nhất 100.000 kết quả xét nghiệm giả âm tính COVID-19. (Ảnh: AP)
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ. Danh sách bao gồm Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Lebanon, Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ Đài Loan, Macau và Hong Kong (Trung Quốc). Các nước EU đã nhất trí giảm bớt các hạn chế đi lại trong mùa hè này, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ không phải xét nghiệm hoặc cách ly và mở rộng danh sách các khu vực trong EU được đánh giá là an toàn.
Các quy định mới này được đưa ra trong bối cảnh hơn 25% số người trưởng thành tại EU đã tiêm chủng đầy đủ. Trên 1 triệu người ở EU đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19"
Chính quyền thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã yêu cầu người dân làm việc trong ngành dịch vụ của thành phố phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Nga nếu không đảm bảo tiêm chủng cho một lượng nhất định nhân viên tại thủ đô Moscow có thể bị phạt từ 50.000 đến 1 triệu Ruble.
Số ca mắc mới COVID-19 ở Nga trong khoảng 1 tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng trở lại, buộc nhiều địa phương phải thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hiện Nga ghi nhận trên 5,2 triệu ca mắc và gần 128.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Anh đã xác nhận hơn 11.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày 17/6, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ tháng 2 tại nước này. Cũng trong ngày 17/6, Anh ghi nhận thêm 19 trường hợp tử vong liên quan tới COVID-19. Theo Bà Susan Hopkins, Giám đốc đối phó COVID-19 của đơn vị Y tế công cộng Anh, hiện nước này đang theo dõi 25 biến thể SARS-CoV-2 , trong đó, bà nhấn mạnh lưu ý biến thể Delta xác định lần đầu tiên tại Ấn Độ. Tính đến nay, hơn 42 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19, trong khi hơn 30 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều.
Chính phủ Anh đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Đây là động thái nhằm xoa dịu các hãng hàng không đang dọa khởi kiện Chính phủ nước này vì các biện pháp cấm ra nước ngoài quá nghiêm ngặt. Sức ép đang gia tăng trong ngành hàng không khi các hãng hàng không đang rất mong chờ các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng vào tháng 7 tới, mùa cao điểm du lịch, để có thể thu lợi nhuận nhiều nhất. Tuy nhiên, Chính phủ Anh lại có ý định duy trì các yêu cầu cách ly để hạn chế đi lại.
Hãng hàng không lớn nhất châu Âu Ryanair dự kiến khởi kiện chống lại Chính phủ Anh trong ngày 17/6 liên quan đến chính sách hạn chế đi lại. Trước tình hình này, Chính phủ Anh đã phát tín hiệu cho thấy có thể tính đến khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bộ Giao thông Anh ngày 17/6 cho biết đang cân nhắc áp dụng chính sách nhập cảnh cho người đã tiêm phòng.
Chính phủ Anh đã phát tín hiệu cho thấy có thể tính đến khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)
Thái Lan đặt mục tiêu cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 4 tháng tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Thông tin trên do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha công bố. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định, hiện Thái Lan đã đảm bảo đủ 105,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vaccine mới cho năm 2022.
Ông cho biết thêm, quốc gia Đông Nam Á này dự định từ tháng 7 tới sẽ tiêm trung bình 10 triệu liều vaccine mỗi tháng và hướng tới mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đã được tiêm phòng đầy đủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Theo đó, những người này sẽ không phải chịu quy định cách ly khi tới Thái Lan.
Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ ổ dịch trong các nhà máy. Các ca nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại các nhà máy ở 27/77 tỉnh, thành phố của Thái Lan. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đe dọa gây đứt gãy chuỗi sản xuất tại một đất nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết, để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 tại các nhà máy, Thái Lan đã áp dụng chính sách "bong bóng và niêm phong" khi 10% công nhân của nhà máy bị nhiễm bệnh. Các trường hợp được xác nhận dương tính sẽ đưa đi điều trị, trong khi số công nhân còn lại sẽ cách ly tại nhà máy trong 28 ngày. Bộ Y tế Thái Lan đã yêu cầu hơn 63.000 nhà máy trên toàn quốc phải tự đánh giá về các biện pháp phòng dịch đồng thời yêu cầu các công nhân phải tự đánh giá sức khỏe của họ hàng ngày trước khi đi làm thông qua các hệ thống đánh giá của Bộ Y tế.
Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 625 ca mắc COVID-19, trong đó có 34 trường hợp nhập cảnh và 591 người lây nhiễm trong cộng đồng. Một số tỉnh tại Campuchia cũng thông báo về tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức 2 chữ số mỗi ngày. Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 40.782 ca mắc COVID-19, trong đó 35.030 người hồi phục và 380 người tử vong. Trước tình hình này, Campuchia đang có kế hoạch mở rộng phạm vi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ra 5 tỉnh sau khi hoàn tất việc tiêm phòng ở Phnom Penh và Kandal, 2 điểm nóng dịch bệnh ở nước này.
Campuchia ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại thành phố Sihanoukville, ở miền Nam, hồi cuối tháng 1/2020 và tình hình dịch bệnh tại nước này được kiểm soát tốt cho đến khi xảy ra "sự cố cộng đồng ngày 20/2", khiến dịch COVID-19 lây lan trên phạm vi cả nước.
Cùng ngày, Indonesia ghi nhận thêm 12.624 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 30/1, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên trên 1,95 triệu trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 277 trường hợp tử vong do COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì căn bệnh này ở Indonesia lên 53.753 người. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, nguyên nhân số ca mới tăng nhanh là do các biến thể mới.
Trước tình hình trên, Chính phủ Indonesia đang xem xét phong tỏa toàn bộ trụ sở các Bộ, ngành ở thủ đô nước này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra lệnh cho nhà chức trách nước này đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.
Ngày 17/6, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong vòng 6 tháng qua. (Ảnh: AP)
Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 6.637 ca mắc COVID-19 và 155 trường hợp tử vong. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng trên 1,33 triệu ca mắc và hơn 23.200 người tử vong do COVID-19. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Philippines Gil Beltran nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hiệu quả các nguy cơ do dịch COVID-19 gây ra, cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không Chính phủ sẽ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 17/6 cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 540 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 523 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ở Hàn Quốc ở mức 500 ca. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là 149.731 ca, trong đó có 1.994 trường hợp không qua khỏi. Trước tình hình trên, KDCA dự kiến sẽ thực thi kế hoạch điều chỉnh giãn cách xã hội vào tháng 7 tới.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc dự kiến sẽ thực thi kế hoạch điều chỉnh giãn cách xã hội vào tháng 7 tới. Theo đó, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Còn Bộ Giáo dục Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố kế hoạch mở lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp toàn thời gian cho học kỳ 2 vào ngày 20/6 tới.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh tại Hàn Quốc. Dự kiến, trong ngày 17/6, Hàn Quốc đạt mục tiêu 14 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện 3,75 triệu người Hàn Quốc (tương đương 7,3% dân số) đã được tiêm vaccine đầy đủ. Mục tiêu tiếp theo là tiêm chủng một mũi cho 36 triệu người từ 18 đến 59 tuổi (chiếm khoảng 70% dân số) vào tháng 9. Hàn Quốc dự kiến tiến tới đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.
Sau vaccine của AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson, Hàn Quốc vừa phê duyệt sử dụng vaccine của Moderna. Dự kiến, vaccine Moderna sẽ được sử dụng để tiêm cho các nhân viên y tế dưới 30 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã đảm bảo có tổng cộng 193 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, thay vào đó sẽ áp dụng các biện pháp trọng điểm để phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương tại nước này. Quyết định trên được Chính phủ nước này đưa ra sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế về tình hình dịch bệnh. Như vậy, sau gần 2 tháng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại các địa phương của nước này. Tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu được dỡ bỏ từ ngày 21/6 tới. Riêng tại Okinawa, tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục được thực hiện đến ngày 11/7 do tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế tại địa phương này vẫn chưa được giải tỏa.
Ngày 17/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 người mắc COVID-19 mới, trong đó có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở tỉnh Quảng Đông.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở hòn đảo này là 175 trường hợp. Tất cả đều là lây nhiễm trong cộng đồng, cao hơn so với mức 167 bệnh nhân được ghi nhận 1 ngày trước đó.