Trước việc Mỹ thông báo sẽ xem xét các cuộc đàm phán với Trung Quốc, các nhà quan sát Trung Quốc cho biết tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington không có lợi cho việc các nhà lãnh đạo của họ hội đàm, tờ South China Morning Post.
Trước đó, ngày 17-6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang xem xét các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, ngày 18-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi được hỏi đã không xác nhận liệu nước này có lên kế hoạch cho cuộc họp này hay không.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Phân tích các động thái trước đó
Trước đó, ông Sullivan đề nghị hai nguyên thủ có thể gặp nhau.
Theo ông, việc ông Biden gặp ông Tập trong vài tháng tới theo một cách nào đó sẽ xác định vị trí của họ trong mối quan hệ. Cuộc gặp giúp đảm bảo Mỹ và Trung Quốc có thể liên lạc trực tiếp - một điều mà Mỹ đánh giá là có giá trị trong giải quyết vấn đề.
"Câu hỏi đặt ra bây giờ là thời gian và cách thức" - ông nói thêm.
Theo ông Sullivan, ông Tập và ông Biden dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Rome vào tháng 10, đây có thể là một địa điểm tiềm năng để họ gặp nhau. Song, ông lưu ý thêm rằng "hiện giờ chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào".
Nhận xét của ông được đưa ra sau khi ông Biden gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm tại Geneva ngày 16-6. Khi được hỏi về kết quả cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều mô tả cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" và "tích cực" dù vẫn còn chia rẽ về các vấn đề bao gồm nhân quyền và tấn công mạng.
Ngoài ra, ông Biden cũng đã tham gia các cuộc đàm phán giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm bảy nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) trong khi ở châu Âu.
Cuộc họp giữa ông Biden và các lãnh đạo G7 nêu lên những lo ngại về nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong và kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, trong tuyên bố chung, NATO gọi sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc là "những thách thức mang tính hệ thống”.
Đáp lại, Bắc Kinh tỏ ra phẫn nộ, cáo buộc Washington cố gắng gây chia rẽ quan hệ Trung Quốc - châu Âu. Nước này cũng cáo buộc NATO "vu khống chống lại sự phát triển hòa bình của Trung Quốc" và kêu gọi nhóm này "ngừng cường điệu mọi lời lẽ" mối đe dọa Trung Quốc".
Nhận định của chuyên gia
Các nhà quan sát Trung Quốc cho biết một cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden có thể giúp kiểm soát các rủi ro quân sự. Song, cuộc gặp khó có thể diễn ra do căng thẳng hiện tại và sau các cuộc đàm phán Mỹ - Trung căng thẳng ở Alaska vào tháng 3. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn về mọi thứ, từ thương mại và nhân quyền đến Biển Đông.
"Tôi không nghĩ Trung Quốc có hứng thú với cuộc họp này" - ông Lu Xiang, chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết.
"Mỹ đã thách thức Trung Quốc về các vấn đề như Hong Kong và Tân Cương, những vấn đề mà Bắc Kinh coi là thử thách điểm mấu chốt của họ, vậy mục đích của cuộc đối thoại này là gì? Tôi không biết làm thế nào mà cả hai có thể nói chuyện được" - ông nói thêm.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh đồng thời là cố vấn của nội các Trung Quốc cho biết hầu như "không có chỗ" cho hai nước thỏa hiệp trong các vấn đề chính.
Ông nói: "Ngay cả trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, hợp tác [giữa Trung Quốc và Mỹ] cũng có những phức tạp và hạn chế.
Theo ông Shi, nếu ông Tập và ông Biden quyết định gặp nhau thì rất có thể họ sẽ gặp ở hội nghị thượng đỉnh G20. Đồng thời, ông nói thêm rằng bất kỳ cuộc hội đàm nào, qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp "ít nhất sẽ chỉ hữu ích để kiểm soát rủi ro quân sự" dù điều này không có khả năng tạo ra hiệu quả lâu dài trong việc làm dịu căng thẳng.