Cần sớm có thêm vaccine dịch vụ
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Chính phủ đã quyết định dùng ngân sách nhà nước, trước mắt là 12.100 tỉ đồng, mua vaccine để tiêm phòng Covid-19 cho ít nhất 70% dân số, đồng thời ra mắt Quỹ vaccine để huy động sự đóng góp của xã hội cho mục tiêu tiêm chủng này. Đây là một quyết sách cần thiết để bảo đảm quyền được tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người.
Nghị quyết 21 của Chính phủ đã khẳng định sẽ tiêm vaccine miễn phí cho toàn bộ những đối tượng thuộc diện được ưu tiên, đồng thời cũng nói đến tiêm vaccine dịch vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn cung nhỏ giọt và nhóm cần ưu tiên tiêm chủng cũng rất lớn, có lẽ còn phải chờ khá lâu nữa mới có vaccine dịch vụ.
Bộ Y tế đã công bố danh sách 11 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine, mà sắp tới sẽ mở rộng hơn, nhưng ngay cả trong danh sách ưu tiên đó việc xếp hàng chờ được tới lượt có thể phải mất nhiều tháng, thậm chí là cả năm trời. Trong khi đó, vẫn có không ít người do đặc thù công việc trong thực tế, đặc thù về sức khỏe và địa bàn sinh sống... cần được tiếp cận vaccine sớm hơn. Chẳng hạn những người đang có công việc cần kíp phải ra nước ngoài, người có bệnh nền cần được vaccine bảo vệ đang sinh sống ở các khu vực đông đúc và chật hẹp, hay những người làm ở vị trí quan trọng và tạm thời không thể thay thế trong các doanh nghiệp và tổ chức... Đây là nhu cầu mà nếu có vaccine dịch vụ thì việc đáp ứng sẽ nhanh chóng và kịp thời hơn.
Vì vậy, để giúp một bộ phận người dân và doanh nghiệp có thể chủ động trong việc tiêm vaccine cho những trường hợp cần thiết, Chính phủ nên xem xét sớm dành một lượng nhỏ vaccine mua được, có thể là 10%, cho nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ. Việc xác định giá dịch vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 tự nguyện trong Nghị quyết 21 của Chính phủ cũng nhằm chuẩn bị cho bước đi này.
Một lợi ích nữa không thể không nhắc đến của việc sớm có vaccine dịch vụ là góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách của Nhà nước, vốn cũng đang phải căng mình để đáp ứng cho rất nhiều yêu cầu cấp bách khác.
Ngoài ra, tiền thu được từ chương trình vaccine dịch vụ còn hỗ trợ cho các cơ sở y tế có thêm nguồn tài chính để đầu tư, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho việc bảo quản vaccine và nâng cao năng lực tiêm chủng, nhất là thiết bị bảo quản loại vaccine thế hệ mới của Pfizer và Moderna. Đây là loại vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ từ âm 20 đến âm 80 độ bách phân. Việt Nam đã ký hợp đồng mua 30 triệu liều vaccine Pfizer, trong khi số thiết bị bảo quản hiện có của ngành y tế Việt Nam chỉ có thể đáp ứng 3 triệu liều trong cùng một thời điểm và số thiết bị này cũng chỉ có ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Hạn chế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít đến năng lực tiếp nhận hai loại vaccine được đánh giá là có chất lượng cao này của Việt Nam.
Cũng cần phải nói thêm về chiến lược vaccine của Việt Nam. Từ đầu tháng 2-2021, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 11 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh bổ sung danh mục này. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư này cho thấy mức độ nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng ở các địa bàn là không giống nhau. Rõ ràng, chỉ cần những khu vực tập trung mật độ dân cư cao, như TPHCM, Hà Nội, các khu công nghiệp đông công nhân có người bị nhiễm bệnh là nguy cơ rất cao dịch sẽ lan nhanh ra các địa phương lân cận.
Thực tế đó cho thấy Việt Nam cần phải có chiến lược phân bổ vaccine có trọng điểm theo thứ tự ưu tiên cho khu vực rủi ro từ cao đến thấp. Việc phân bổ theo kiểu cào bằng hoặc “ăn đồng chia đủ”, nếu có, sẽ chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vaccine vốn ít ỏi của Việt Nam mà thôi.
Xem thêm: lmth.uv-hcid-eniccav-meht-oc-mos-nac/704713/nv.semitnogiaseht.www