Triển khai tiêm vắc xin đợt 3 tại quận Tân Phú - Ảnh: Trung tâm Y tế quận Tân Phú
Những vấn đề trên được đặt ra và thảo luận tại tọa đàm trực tuyến "Mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và trách nhiệm của Nhà nước" do Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức ngày 19-6 với sự tham gia của các chuyên gia uy tín như PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam), TS Nguyễn Thu Anh (Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam - giảng viên Đại học Sydney, Úc), ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright).
Hiện nay Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân được phép tham gia mua vắc xin. Để mở rộng nguồn vắc xin cho mục tiêu khoảng 150 triệu liều tiêm cho khoảng 70% dân số Việt Nam từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh mua vắc xin, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Nhà nước cần phải bỏ ngân sách để đàm phán các hãng dược mua sòng phẳng, theo giá thị trường.
Ngoài vắc xin AstraZeneca thì mở rộng đàm phán các hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V… Đồng thời tranh thủ quan hệ với các quốc gia kiếm nguồn vắc xin mà họ chưa dùng tới. Đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đàm phán mua vắc xin thì Nhà nước cần dẫn dắt để có thể thuận lợi ký hợp đồng 3 bên tăng nguồn vắc xin.
Trước yêu cầu mở rộng nguồn, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa lưu ý Nhà nước cần có vai trò điều tiết dẫn dắt, bởi nguy cơ có thể mua phải hàng giả, kém chất lượng hoặc hàng hết hạn sử dụng.
"Bộ Y tế phải có quy định hết sức chặt chẽ khi nhập vắc xin về. Nghị định 104/2016 có quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi người dân tiêm vắc xin bị thiệt hại, rủi ro" - ông Nghĩa nói.
Vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là với nguồn vắc xin lớn được huy động sắp tới thì phân phối thế nào và tổ chức tiêm ra sao bảo đảm an toàn, tránh rủi ro?
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng đối với nguồn vắc xin Nhà nước mua thì cần ưu tiên cho 10 nhóm đối tượng theo nghị quyết 21 của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xem xét ưu tiên cho các địa phương, vùng miền, trung tâm kinh tế lớn, đông dân.
Tiếp nữa là nên ưu tiên cho nhóm người lao động sản xuất mà phải tập trung chứ không thể làm việc từ xa. Còn đối với nguồn vắc xin các doanh nghiệp tự mua được thì dùng cho người lao động cho doanh nghiệp.
"Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, sắp tới phải huy động hệ thống tiêm chủng rộng khắp. Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, cần nghiên cứu để thiết lập các điểm tiêm chủng di động nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho người dân. Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn, tập huấn quy mô lớn và hỗ trợ cho hệ thống tiêm chủng tuyến dưới cho thời gian tới..." - bà Thu Anh nói.
Bổ sung thêm, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng người dân trông đợi việc Nhà nước tổ chức tiêm vắc xin theo quy trình hết sức chặt chẽ. Không thể để người dân tiêm vắc xin giả, hết hạn. Không thể tiêm cho người dân với quy trình sai và không an toàn, và nếu xảy ra hậu quả bất lợi thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường.
"Những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng đặt ra với quy mô 75 triệu người. Đây là ví dụ đặc biệt để thấy rằng đáng ra cần có luật về tình trạng khẩn cấp để một mặt cho Nhà nước quyền can thiệp, mặt khác vẫn bảo vệ quyền tự do dân sự và sinh mạng cho người dân. Đó là hai vấn đề cần phải đặt ra" - ông Nghĩa nói.
Cần chiến lược quốc gia về vắc xin
TS Nguyễn Thu Anh cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào chiến lược nghiên cứu vắc xin bài bản, dài hạn. Bởi lẽ dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại rất lâu trên thế giới và cũng không phải là đại dịch duy nhất trong tương lai.
"Để thực hiện chiến lược này cần có chương trình đầu tư công lớn. Trong đó khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư và tạo thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn đầu tư công…" - bà Thu Anh nói.
Đồng tình, ông Thành cho rằng Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ cho các hãng dược tư nhân, các trung tâm nghiên cứu dược, Nhà nước lập ra đề án rồi rót tiền cho nghiên cứu.
TTO - Để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu dân tại Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.
Xem thêm: mth.66582349191601202-naot-na-mad-oab-ehc-tahc-nac-nix-cav-meit-av-aum-nougn-gnod-yuh/nv.ertiout