Người dân được đo thân nhiệt trước khi vào mua sắm tại chợ Nguyễn Đình Chiểu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thông tin được ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, đưa ra tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp chống dịch diễn ra chiều tối 19-6.
Tại họp báo, ông Từ Lương cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây lần đầu tiên vượt qua 3 con số.
Dự báo trong tuần tới sẽ còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, đòi hỏi các ngành các cấp phải tập trung phòng chống dịch trong tuần cao điểm
Ông Từ Lương khẳng định TP.HCM không áp dụng chỉ thị 16 một cách cứng nhắc, mà sử dụng nền các giải pháp trong chỉ thị 15, 16 để ban hành chỉ thị riêng của TP về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo ông Lương, thời gian qua khi tổ chức thực hiện việc giãn cách theo chỉ thị 15 có nơi chưa nghiêm túc. TP sẽ bổ sung biện pháp mạnh cho những địa bàn có ca nhiễm nhiều, tăng cao.
Ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của chủ tịch UBND TP trước đó, chỉ thị mới của chủ tịch UBND TP cơ bản có các điểm mới:
Thứ nhất, tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công thương hướng dẫn các quận huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.
Đồng thời dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa).
Thứ hai, không tụ tập 3 người đối với nơi công cộng ngoài công sở, phạm vi bệnh viện, trường học (hiện nay quy định 5 người), yêu cầu giữ khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5m (hiện nay quy định 2m).
Thứ ba, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác.
Thứ tư, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy phân xưởng hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau tối thiểu 1,5m, đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi cho UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Thứ năm, các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, tập đoàn bao gồm các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế.
Thứ sáu, dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức hội họp, không được tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Một người làm việc tại chợ đầu mối Bình Điền (phường 7, quận 8, TP.HCM) vừa có kết quả test nhanh dương tính lần 1 với COVID-19. Người này làm nghề bốc vác, sống ở quận 1 và đi qua quận 8 làm việc.
Xem thêm: mth.93892239191601202-gnoc-gnoc-hcahk-hnah-neyuhc-nav-gnud-tahp-ut-ohc-cac-gnugn-mch-pt/nv.ertiout