Xịt khử khuẩn khu vực bị phong tỏa ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng liên quan đến 24 ca mắc vừa phát hiện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Hai lỗ hổng ban đầu được chỉ ra: lái xe từ TP.HCM đi qua chốt dịch ở TP Đà Nẵng trong đêm khuya nhưng không ai kiểm soát, thiếu thông tin dịch tễ từ ca mắc ở TP.HCM.
Qua chốt giữa đêm không ai kiểm soát
TP Đà Nẵng xác định nguồn lây từ đợt dịch lần này là từ bệnh nhân 12190. Đây là lái xe chở hàng từ TP.HCM ra cung cấp cho Công ty nhựa Duy Tân ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Cụ thể, khi phát hiện bảo vệ của Công ty nhựa Duy Tân dương tính với COVID-19 ngày 18-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đã truy vết, xác định bảo vệ này có tiếp xúc với lái xe là bệnh nhân 12190.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh - giám đốc CDC Đà Nẵng - cho biết người lái xe này ra Đà Nẵng giao hàng vào ngày 10-6, trên xe có một phụ xe và nhân viên giao hàng. Khi ba người này vào Đà Nẵng lúc 1h sáng, đi qua chốt kiểm dịch ở quốc lộ 1 vào Đà Nẵng nhưng không ai chặn lại, giao hàng và về lại TP.HCM lúc 2h sáng. Bệnh nhân này được phát hiện dương tính lần 1 ngày 15-6, vợ được phát hiện dương tính ngày 10-6 tại TP.HCM.
"Ngày 9-6, nhóm tài xế này từ TP.HCM đi Đà Nẵng thì ngày 10-6 khu vực nơi bệnh nhân này sống bị phong tỏa. Khi người này về lại TP.HCM đã được đưa đi cách ly. Dù được cách ly ngay nhưng tới ngày 15-6 người này mới được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bác sĩ Thạnh cho biết CDC Đà Nẵng không nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho đến khi Đà Nẵng phát hiện ca mắc.
Ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - yêu cầu các đơn vị bắt đầu một đợt cao điểm mới về chống dịch. Ông Quảng nhận định nếu phân tích, nguyên nhân bùng phát đợt dịch lần này đến từ lỗi chủ quan là chính bởi nếu được khai báo y tế từ TP.HCM vào Đà Nẵng thì khả năng sẽ không để xảy ra chu kỳ lây nhiễm như hiện nay.
Phong tỏa bên trong, "thủng lưới" vì lỗ hổng bên ngoài
Với tình hình dịch hiện nay, quận Thanh Khê đã khảo sát và tổ chức phong tỏa khu vực tam giác 3 đường Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám, lấy mẫu xét nghiệm đối với hơn 1.300 hộ dân ở đây để có giải pháp tính tiếp trong những ngày tới.
Ngay tối 19-6, Đà Nẵng phát đi thông tin truy tìm những người có tới, tiếp xúc với những người ở kiệt 407 Lê Duẩn và đã từng đến tiếp xúc với người Công ty nhựa Duy Tân. "Phải tiến hành khai báo y tế ngay ở cơ quan y tế địa phương và tiến hành xét nghiệm ngay. Phải hoàn thành việc này trong ngày 20-6" - ông Quảng yêu cầu.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, ngoài việc đẩy nhanh xét nghiệm và chống dịch bên trong TP, việc quan trọng lúc này là "bịt kín" không để nguy cơ người dân từ vùng dịch trở về. Bà Yến nhận định có 2 nhóm nguy cơ gồm lái xe từ vùng dịch và người dân từ vùng dịch tìm đường về Đà Nẵng. Vì thế TP Đà Nẵng cũng thống nhất chủ trương sẽ siết chặt một số biện pháp phòng dịch như cấm tắm biển, cấm bán hàng ăn uống tại chỗ và chỉ cho bán mang đi bắt đầu từ trưa 20-6.
Bổ sung nguồn lực cho chốt dịch
Ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã yêu cầu lực lượng công an, y tế kiểm tra hoạt động chặt chẽ của các chốt kiểm dịch. Đồng thời bổ sung lực lượng, cơ sở vật chất cho các chốt.
"Tôi đã yêu cầu kiểm tra xử lý trách nhiệm của các chốt, đặc biệt là chốt bỏ lọt lái xe từ TP.HCM vào. Đồng thời cần phối hợp ngay với lực lượng Bộ Công an tăng cường việc kiểm soát trên các tuyến đường do Bộ Công an quản lý" - ông Quảng nói.
TTO - Lái xe từ TP.HCM đi qua chốt dịch ở TP Đà Nẵng trong đêm khuya nhưng không ai kiểm soát. Thiếu thông tin dịch tễ từ ca mắc ở TP.HCM. Đây là hai lỗ hổng chính gây ra đợt bùng phát dịch mới ở Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.91423208002601202-no-mat-yagn-03-uas-uad-ut-ial-hcid-gnohc-gnan-ad/nv.ertiout