Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho một nhân viên y tế tại Hải Dương - Ảnh: PHẠM TUẤN
TP.HCM bước vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Làm sao đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người đã tiêm vắc xin là một trong những chủ đề thảo luận tại tọa đàm về "Mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và trách nhiệm của Nhà nước" do Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (ĐH Fulbright Việt Nam) tổ chức ngày 19-6.
Mục tiêu của Việt Nam là đến cuối năm 2021 đầu năm 2022 tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin cho khoảng 70% dân số cả nước. Nói về mục tiêu này, TS Nguyễn Thu Anh (giám đốc quốc gia, Viện nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam - giảng viên lâm sàng cao cấp, ĐH Sydney, Úc) cho rằng cần huy động hệ thống tiêm chủng rộng khắp.
Ngoài các điểm tiêm chủng cố định cần thiết lập các điểm tiêm chủng di động nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn, tập huấn quy mô lớn và hỗ trợ hệ thống tiêm chủng tuyến dưới.
Hiện nay đa số người dân ủng hộ tiêm vắc xin (tỉ lệ hơn 92%). Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (giám đốc Chương trình thạc sĩ chính sách công, ĐH Fulbright Việt Nam), khi người dân tin tưởng, đòi hỏi Nhà nước phải đảm bảo sự an toàn cao nhất. Nếu xảy ra hậu quả bất lợi, người dân có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường. Những vấn đề pháp lý như vậy chưa từng đặt ra ở quy mô tiêm chủng với 75 triệu người.
Từ đây cho thấy, việc tiêm vắc xin đang đặt ra nhiều vấn đề chưa có tiền lệ cần phải giải quyết. Từ việc làm thế nào để mua được vắc xin, triển khai tiêm chủng... đến chiến lược quốc gia về vắc xin. Các vấn đề này đang vướng do những lỗ hổng, khiếm khuyết trong hệ thống pháp lý cần giải quyết để tạo ra cơ chế thực hiện không chỉ cho đợt tiêm chủng này mà còn cho chiến lược quốc gia về vắc xin.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa còn cho rằng là quốc gia có dân số lớn, Việt Nam không thể lệ thuộc vào nguồn vắc xin nước ngoài. Chúng ta phải tự chủ về vắc xin để bảo đảm an toàn về y tế cho người dân. Đó là thách thức nhưng phải giải quyết.
Trong bối cảnh đó hệ thống pháp luật cũng như quản trị nhà nước phải thay đổi tương ứng. Pháp luật phải thay đổi một mặt theo hướng thị trường, tăng tự do, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị kinh doanh, mặt khác thúc đẩy nhà nước sáng tạo theo nghĩa dùng công cụ mới.
Ví dụ khuyến khích phát triển vắc xin thì phải tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu tư nhân quản lý vận hành theo nguyên lý tư nhân nhưng họ phải được cạnh tranh về ý tưởng và được Nhà nước tài trợ.
Vì vậy, cần sớm hình thành một đạo luật về quản lý điều hành vắc xin bao gồm quy định từ thúc đẩy tìm kiếm, tài trợ cho nghiên cứu, giám sát nghiên cứu, đánh giá, cho đến đưa vào lưu hành, tổ chức tiêm, trách nhiệm Nhà nước đối với vấn đề sau khi tiêm...
"Sức khỏe nhân dân là tài sản công đặc biệt mà sứ mệnh của Nhà nước phải bảo đảm. Như vậy một đạo luật về quản lý đầu tư, sử dụng cho đến ngăn ngừa hậu quả của vắc xin cần được ưu tiên..." - ông Nghĩa đề xuất.
Những vấn đề mà chuyên gia đặt ra không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng gợi ra những việc có thể làm ngay trong chiến dịch tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 tới đây và các đợt chích hằng năm ở các năm sau. Đó chính là tấm lá chắn hiệu quả bảo vệ người dân Việt trước COVID-19 và các loại đại dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.
TTO - Sáng nay 20-6, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 78 ca mắc COVID-19 mới, nhiều nhất tại TP.HCM với 46/78 ca. Thông tin cho hay tuần đầu tiên của tháng 7 có thể có thêm 1,6 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 được cung ứng cho Việt Nam.
Xem thêm: mth.35403147002601202-nix-cav-ev-taul-oad-nac/nv.ertiout