Cân nhắc kỹ việc xây hồ trữ ngọt ngay ‘rốn phèn’
Trung Chánh
(KTSG Online) - Tỉnh Long An đang thực hiện các bước liên quan để xây dựng hồ trữ nước ngọt quy mô lớn ở huyện Thạnh Hoá nhằm chủ động nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và du lịch. Thế nhưng, ngoài yếu tố phải mang lại hiệu quả kinh tế khi đầu tư, thì việc xây dựng hồ ở ngay vùng trũng Đồng Tháp Mười - nơi tiềm ẩn rủi ro nhiễm phèn - theo chuyên gia là nên cân nhắc kỹ.
Hồ trữ ngọt mới hoạt động đã bị mặn ‘tấn công’, Bến Tre lại muốn xây hồ to hơn
Điểm màu xanh dương là nơi quy hoạch xây dựng hồ trữ nước ngọt quy mô 140 héc ta, tổng mức đầy tư 718 tỉ đồng ở huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An. Ảnh: longan.gov.vn |
Thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An cho biết, để ứng phó với hạn, xâm nhập mặn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt..., địa phương này tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt ở xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hoá với quy mô 140 héc ta (diện tích mặt hồ là 106 héc ta), có tổng mức đầu tư 718 tỉ đồng.
Từ tháng 10-2016, tỉnh Long An đã triển khai khảo sát lập quy hoạch hồ chứa nước ngọt ở vùng Đồng Tháp Mười với 4 hồ chứa tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hoá.
Song song với việc khảo sát lập quy hoạch nêu trên, tỉnh Long An đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hoá với quy mô và tổng mức đầu tư như nêu trên. Đây là dự án được ưu tiên đầu trong giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, dung tính hồ được chia làm hai phần, gồm phần phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và du lịch; phần còn lại phục vụ cấp nước tưới cho nông nghiệp với quy mô khoảng 1.500 héc ta.
Liên quan dự án nêu trên, trao đổi với KTSG Online, TS. Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết tinh thần của Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là kinh tế nông nghiệp, tức nông nghiệp phải nghĩ đến vấn đề mang lại hiệu quả kinh tế. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi chuyển từ tuy duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. “Chuyện xây hồ là phương án đầu tư để giữ nước ngọt, cho nên, phương án đầu tư đó cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế”, ông Ni nói.
Như nêu ở trên, một trong những nội dung mà dự án hướng tới là cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong khi lợi nhuận từ lĩnh vực này thực tế là không cao. “Ở đây, chúng ta không nói đến chuyện xây dựng hồ đó là đúng hay sai”, ông Ni nêu quan điểm và cho rằng cần có bài toán chi tiết về hiệu quả đầu tư, tức dự án có thật sự mang lại hiệu quả kinh tế hay không.
Một điểm khác, theo ông Ni, dự án nằm trong vùng “rốn phèn”, cho nên rủi ro hồ bị nhiễm phèn là rất cao. “Đây là vùng phèn nặng, vùng rốn phèn của Đồng Tháp Mười, thành thử, vùng này đào hồ sẽ bị phèn vào, đó là chưa nói đến chuyện đào ở vùng trũng trong vùng trũng nó sẽ gom phèn lại”, ông cho biết và nói rằng khi đó mục tiêu nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt có khả thi?
Vùng Đồng Tháp Mười quanh năm có nước ngọt, cho nên, theo quan điểm của ông Ni, phương án tốt nhất vẫn là điều tiết nước lũ, điều tiết hệ thống canh tác cho phù hợp. Bởi, đây là phương án vừa rẻ tiền, không phải chi xuất, không cần xây dựng những công trình lớn. “Đó là phương án tốt nhất”, ông nhấn mạnh và cho rằng thay vì làm lúa vụ 3 thì có thể trồng sen kết hợp nuôi cá và trữ nước trong mùa lũ để điều tiết cho mùa khô.
Xem thêm: lmth.nehp-nor-yagn-togn-urt-oh-yax-ceiv-yk-cahn-nac/475713/nv.semitnogiaseht.www