Bí thư tỉnh Hậu Giang: 'Có vaccine, doanh nghiệp Hậu Giang sẽ vượt qua đại dịch và phát triển'
Huỳnh Kim thực hiện
(KTSG Online) - Trong đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ở Hậu Giang vẫn phát triển bên cạnh nhiều doanh nghiệp giải thể. KTSG Online vừa có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, xoay quanh câu chuyện Hậu Giang sẽ vượt qua đại dịch này như thế nào.
Ông Lê Tiến Châu (đứng), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, tại buổi “Cafe doanh nhân” hàng tháng của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Phạm Duy Khương |
KTSG Online: Thưa ông, gần nửa năm nay, kinh tế Hậu Giang chống chọi với tình hình đại dịch Covid-19 ra sao?
- Ông Lê Tiến Châu: Trong gần sáu tháng đầu năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, kinh tế của tỉnh vẫn phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,99%, xếp thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó khu vực II đóng góp tích cực nhất, tăng 9,46%; giá trị sản xuất công nghiệp trên 14.402 tỉ đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ, đạt hơn 45% kế hoạch; thu nội địa hơn 2.550 tỉ đồng, tăng 92,76% so với cùng kỳ, đạt hơn 76% kế hoạch.
Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp vẫn khá ổn định. Từ đầu năm đến nay, có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Điều này chứng minh Hậu Giang là địa phương có nhiều dư địa để phát triển, đồng thời chứng minh cho sự năng động và sự vào cuộc kịp thời của chính quyền trong mọi tình huống, kể cả khi dịch đang bùng phát nhanh trong nước và thế giới.
Đáng mừng là đến thời điểm này, trong sản xuất công nghiệp Hậu Giang có nhiều dự án mới đi vào hoạt động. Với nhiều chính sách hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
KTSG Online: Nhưng thưa ông, đợt dịch này đang gây tác động không kém đợt dịch năm 2020. Ngoài ra, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu và giá vận chuyển cũng tăng chứ không giảm như năm rồi?
- Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát như vậy, Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh thành khác đều chịu nhiều tác động tiêu cực. Riêng trong phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm 2021 đến nay, ở Hậu Giang có 41 doanh nghiệp giải thể, 8 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Có một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp sản xuất để cố gắng duy trì dưới sự tác động khắc nghiệt của quy luật thị trường trong đại dịch.
Riêng với tình hình tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu và giá vận chuyển thì đây là một bài toán mới mà các doanh nghiệp phải giải quyết. Việc tăng giá này đang làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm lời giải để tiếp tục hoạt động và đảm bảo tiến độ sản xuất, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các đơn đặt hàng.
Các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá, tuy nhiên hiện tại các doanh nghệp đã từng bước khắc phục được khó khăn và duy trì sản xuất. Doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận, chủ động tìm kiếm thêm nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế; tận dụng nguồn nguyên, nhiên liệu sẵn có; có phương án dự trữ cần thiết khi thiếu hụt nguồn nguyên, nhiên liệu, tăng quy mô sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự làm mới mình, cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm mới, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào.
KTSG Online: Vậy để các doanh nghiệp vượt qua đại dịch lần này, tỉnh Hậu Giang có chủ trương cụ thể ra sao nhằm thực hiện “mục tiêu kép”?
- Tôi xin khẳng định, Hậu Giang đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay. Đây là quan điểm nhất quán của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang.
Trước hết, để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách cụ thể đã và đang áp dụng. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề như sau.
Một là, tập trung hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP, cụ thể là với hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội.
Hai là, chỉ đạo Cục Thuế Hậu Giang thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp và miễn giảm các loại thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Ba là, chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tốt với ngành ngân hàng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giúp ngành ngân hàng nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đẩy nhanh, mạnh hơn nữa các biện pháp về giải ngân vốn tín dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.
KTSG Online: Như vậy, đến cuối năm nay, nếu dịch Covid-19 giảm mạnh nhờ có vaccine, ông có lạc quan về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Hậu Giang hay không?
- Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc đàm phán mua vaccine. Hiện nay, Bộ Y tế và các doanh nghiệp đã đàm phán mua được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Bản thân tôi rất lạc quan về “tương lai sau đại dịch Covid-19”, có thể ví như chúng ta đã tìm được ánh sáng cuối đường hầm.
Thực tế cho thấy, mặc dù tình hình đại dịch tác động hết sức tiêu cực, nhưng với sự điều hành linh hoạt, chủ động, quyết liệt của tỉnh, nền kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có tốc độ tăng trưởng 5,99%, trong đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là trụ cột tăng trưởng với 9,46%.
Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế đất nước thì Hậu Giang vẫn có những kết quả phát triển kinh tế hết sức tích cực. Nói như vậy để thấy rằng, với việc có đầy đủ vaccine khống chế được đại dịch, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Hậu Giang trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến khởi sắc, giống như một chiếc lò xo bị nén lại, đã đến lúc bung ra để phát triển.
KTSG Online: Để làm được điều này, ngoài các chính sách hỗ trợ, tỉnh sẽ đồng hành với doanh nghiệp ra sao?
- Tôi cho rằng cần sự vào cuộc của cả chính quyền và doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, phải thay đổi để tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp phải nhạy bén nắm bắt cơ hội này để vươn lên bắt kịp xu thế thị trường, tự chủ hơn trong mọi lĩnh vực, từ thay đổi về cách chủ động trong nguồn nguyên liệu, cách tiếp cận thị trường, chủ động các kịch bản chống dịch trong giai đoạn vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất... Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn.
Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở đó, sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực mới về đầu tư, phát triển địa phương theo đúng quy hoạch đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp lớn, mang tính đột phá đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp tháng 5 vừa qua để sớm khai thông điểm nghẽn cố hữu của tỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hậu Giang sẽ thực hiện chủ trương thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch nhằm dọn tổ, đón đại bàng, cắt giảm chi phí thời gian và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư; tiếp tục thực thiện đơn giản, minh bạch hóa thủ tục hành chính thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
Với các doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh sẽ thành lập các tổ công tác đi làm việc với từng doanh nghiệp để có thể kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp. Tôi cũng xin thông tin thêm, cuối năm 2020, Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Hậu Giang là một trong số ít những địa phương đầu tiên trong nước có nghị quyết này, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu về tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10%, hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số, tỷ trọng kinh tế số phấn đấu đạt 10% GRDP của tỉnh.
Tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp về thể chế, chính sách, hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành hệ sinh thái phát triển kinh tế số với những ưu đãi về thuế, sử dụng đất, hỗ trợ về hạ tầng viễn thông, Internet, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Với những hành động, cam kết cụ thể đó, tôi tin tưởng rằng, sau cơn mưa, sẽ có cầu vồng sáng dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về với Hậu Giang.