Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925- 21-6-2021), PLO xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Đình Ba về "Cải chính" trên chí trước 1945.
Với kỹ thuật in ấn còn thủ công với phương tiện thông tin truyền thông còn lạc hậu, báo chí trước 1945 trong tác nghiệp lấy tin bài, cũng như in ấn có lúc bị sai và phải tiến hành… cải chính.
Sửa sai lỗi sắp chữ, dùng từ
Nếu ngày nay, thỉnh thoảng ở trên mặt báo ta thấy có một tin đính chính nào đó liên quan đến thông tin nhầm, đến sai số liệu, nhân vật hay ngày tháng... thì dạo xưa, độc giả cũng đã quen với các mục tin “Cải chính” những điều lầm dạng như vậy ở các báo.
Mục “Những hạt đậu dọn” của Phong hóa số 125, ra ngày 23-11-1934. Ảnh: Đ.B.
Thậm chí báo Phong hóa còn có mục “Những hạt đậu dọn” mà theo hồi ký Vào làng cầm bút của Toan Ánh là được lập ra “dành để sửa văn, hay đúng hơn là vạch những lỗi hành văn, về văn phạm, về từ ngữ của những báo khác”.
Mục “Những hạt đậu dọn” của Phong hóa số 125, ra ngày 23-11-1934, ở trang 14 có tin “Sao lại chiều cho ăn nhảm?” chê tác giả Đoàn Tâm Đoàn viết bài “Thiên chức của đàn bà” trên Đông Phương tuần báo số 2, 3, có đoạn: “… khi trẻ đòi ăn nhảm, ta không nên chiều cho ăn quá độ…”.
Đoạn này bị Phong hóa chê là “Ý hẳn bà Đan bảo, khi trẻ đòi ăn nhảm, thì nên cho ăn nhảm, nhưng đừng nên cho ăn quá độ”. Việc làm trên, theo quan điểm của Toan Ánh thì mặt tích cực là góp phần cho những người theo nghiệp viết phải cẩn trọng hơn nhưng mặt khác có những sự chỉ trích bị cho là quá đáng.
Báo Ánh sáng số 39, ra ngày 14-9-1935, ở trang 5 đăng tin “Cải chính” số báo ra trước đó vì những thợ sắp chữ nhiều chỗ sai, cụ thể là:
Thái Phiên sắp nhầm thành Thái Miếu, khí tượng lầm thành khi trước, mày râu thành mày vẻ, nhàn thoại thành nhân thoại, Trưng Trực (anh em Đoàn Trưng (Đoàn Hữu Trưng), Đoàn Trực (Đoàn Tư Trực) trong cuộc nổi dậy ở Khiêm lăng mà dân gian gọi là “Giặc chày vôi”) ở làng An Truyền, tức làng Chuồng (báo viết làng Chuồng, tra tài liệu hiện nay ghi là làng Chuồn) thuộc huyện Phú Vang bị lầm thành Mỹ Lội, huyện Phú Lộc.
Số 24, ra ngày 3-6-1935 của báo Đàn bà mới có mẩu tin “Mấy lỗi trong số báo trước”, tức lỗi in ấn, sắp chữ của số báo 23, ra ngày 7-5-1935. Theo đó báo cầu thị nhận sai cùng độc giả một số lỗi sắp chữ mắc phải, chẳng hạn:
“Trong bài “Nghề làm chồng” cột thứ 3, giòng [dòng] thứ 12, có câu: “tôi giả đò như không lưu tâm tới…” thợ sắp chữ sắp lầm là hửu tâm, vậy xin đính chánh lại”.
Mẩu tin “Mấy lỗi trong số báo trước” của báo Đàn bà mới số 24, ra ngày 3-6-1935. Ảnh: Đ.B.
Có khi vì sự sắp chữ hụt mà làm lầm luôn cả tên tác giả bài viết, khiến tòa soạn không thể không đính chính để tránh bị hiểu lầm. Vẫn tin cải chính trên ghi tiếp:
“Bài “báo chí Trung Hoa” (tên đầy đủ bài viết này là “Báo chí ở Trung Hoa”) đăng ở trương [trang] 19 nguyên là một bài của một nhà văn sĩ Pháp tuần báo Lu trích đăng. Dưới bài dịch, thợ sắp chữ quên không sắp câu chỉ rỏ [rõ] nguồn gốc bài đó, thành ra tác giả bài ấy lại là người trong tòa soạn của bổn báo. Vậy xin lổi [lỗi] cùng độc giả về sự sơ sót đó”.
Sửa sai, đính chính tin giả
Nếu ngày nay, có lúc báo chí cũng bị sẩy chân, hố hàng vì dùng nhầm tin giả (fake news) thì 1945 về trước, tin giả cũng không phải là không có. Và dĩ nhiên, nó làm cho tờ báo lỡ dùng tin giả mất uy tín, phải cải chính.
Đại Việt tân báo số 26, ngày 29-10-1905 đã phải đăng “Nhời cáo bạch” để xin lỗi cụ Đặng Xuân Bảng, tác giả của Việt sử cương mục tiết yếu, Sử học bị khảo… vì bị số 25 của báo đăng cụ đã chết do nhầm tin với người chết thực là Đặng Xuân Toản. Tin cải chính nguyên văn là:
“Đặng Xuân Bảng là quan đốc học cũ tỉnh Nam Định, bây giờ vẫn đương mạnh giỏi, kỳ trước chúng tôi nghe nhầm mà báo rằng ngài mất, chúng tôi nay xét ra thì là ông Đặng Xuân Toản mất, chúng tôi tự biết rằng nói nhầm, lấy làm hối lắm, tưởng rằng quan Đặng Xuân Bảng ngài cũng thứ miễn đi cho”.
An Nam tạp chí của Tản Đà thì nhiều lần phải đình bản. Nhưng vào dạo tháng 7-1932, khi An Nam tạp chí tạm đình bản vài kỳ, có cả tin xấu làm ảnh hưởng đến báo khi thay vì tin đúng là đình bản, lại có tin thất thiệt rằng báo bị tịch biên.
Mục “Trong làng báo” trên Phong hóa tuần báo số 5, ra ngày 14-7-1932 đăng tin cải chính của An Nam tạp chí. Ảnh: Đ.B.
Sự nhầm lẫn trên khiến ông chủ báo Tản Đà phải cải chính, mà Phong hóa tuần báo số 5, ra ngày 14-7-1932 ở mục “Trong làng báo” sau khi thông tin An Nam tạp chí tạm đình bản, đã có thêm dòng chốt: “TIN SAU CÙNG: Ông Nguyễn Khắc Hiếu có đến nói với Bản chí rằng cái tin An Nam tạp chí bị tịch biên là một tin không thực. Ông Hiếu sẽ có bài tường thuật”!