Vào khoảng 23 giờ ngày 19-6, Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân Lê Văn Thinh đã dẫn đầu tổ kiểm tra công tác chuẩn bị phong toả tại ba khu phố 2,3,4 thuộc phường An Lạc.
Lãnh đạo quận Bình Tân kiểm tra các khu vực phong toả bên trong khu phố 2,3,4 thuộc phường An Lạc, trước giờ G. Ảnh: LÊ THOA
Đi cùng còn có bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận và lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự quận Bình Tân.
Chỉ y bác sĩ và người bệnh cấp cứu mới được ra ngoài
Theo đó, tổ công tác đã đến một số điểm hiện đang được phong toả do có liên quan đến các ca mắc COVID-19 thuộc ba khu phố này. Ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân đã hỏi thăm, động viên lực lượng trực chiến nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Đúng 0 giờ 20-6, lực lượng chức năng bắt đầu giăng hàng rào ở đầu đường Hồ Học Lãm. Ảnh: LÊ THOA
Đến 0 giờ ngày 20-6, lãnh đạo quận Bình Tân đã chứng kiến khoảnh khắc lực lượng chức năng đưa các hàng rào chắn ngang đường Hồ Học Lãm, đoạn giao với đường Kinh Dương Vương.
Còn đường Hồ Học Lãm được “bịt kín” hai đầu, không cho người dân lưu thông qua tuyến đường này nữa.
Cán bộ quận Bình Tân dán các băng rôn có dòng chữ 'khu vực cách ly y tế'. Ảnh: LÊ THOA
Theo ghi nhận của PV, vào thời điểm tiến hành phong toả tại khu vực Hồ Học Lãm – Kinh Dương Vương và Lê Cơ – Kinh Dương Vương, không có quá nhiều người dân đi lại nên việc tuân thủ quy định được đảm bảo.
Chị Như Quỳnh, ngụ khu phố 4, đã mang đồ đạc gửi ra ngoài cho anh trai của mình do người anh không thể vào bên trong. Chị Quỳnh cho biết đã được chính quyền địa phương thông báo từ trước việc sẽ phong toả nên gia đình chị đã chuẩn bị nhiều đồ ăn, nước uống, thuốc tây.
“Chúng tôi mua hết những gì cần rồi, giờ không phải đi đâu hết, tâm lý cũng khá bình thường, chỉ hơi lo sợ dịch bệnh thôi” – chị Quỳnh nói thêm.
Trao đổi với PLO, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết gần như không giải quyết ra, vào khu phong toả này vì mức độ lây nhiễm tại đây là rất cao, khó đảm bảo được việc cách ly, khoanh vùng. Hơn nữa, ba khu phố của phường An Lạc là đang thực hiện phong toả, chứ không phải là giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, hai trường hợp sau được ra khỏi khu vực phong toả là trường hợp người bệnh cần cấp cứu, điều trị khẩn cấp và các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch vì đây là lực lượng rất cần lúc này, họ cũng đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm thường xuyên.
Còn những người dân có việc đặc biệt muốn vào khu vực này thì sẽ không được trở ra và phải tuân thủ các quy định trong nơi phong toả. Kể các cán bộ công chức sống tại đây cũng phải ở tại chỗ.
Mong sớm trả lại cuộc sống ổn định cho người dân
Chia sẻ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận, ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận uỷ quận Bình Tân, nhìn nhận trong hai tuần đầu kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, mức độ lây nhiễm tại quận bình quân là 3,1 ca/ ngày, đến tuần thứ ba thì tăng lên 12 ca/ ngày.
Một số người muốn xin vào khu vực phong toả tại phường An Lạc. Ảnh: LÊ THOA
“Ba ngày gần đây gồm ngày 17, 18, 19-6, số ca nhiễm trên địa bàn tăng lên so với lúc đầu khoảng 10 lần, hiện nay bình quân 30 ca/ ngày” – ông Thinh nói và cho biết quận nhận thấy công tác phòng chống dịch thời gian qua có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát, kiềm chế dịch.
Theo đó, đánh giá việc lây nhiễm đang diễn tiến phức tạp, quận Bình Tân đã tham khảo ý kiến của ngành y tế TP và có đề xuất TP thực hiện tăng cường giãn cách ở một số điểm có nguy cơ cao.
Từ đó, tập trung khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm, phát hiện hết các trường hợp đang lây nhiễm trên địa bàn, với mong muốn sớm trả lại cuộc sống ổn định cho nhân dân và doanh nghiệp.
Ông Thinh cũng cho biết, sau khi được TP chấp thuận phong toả ba khu phố ở phường An Lạc A từ 0 giờ ngày 20-6, quận đã chỉ đạo các lực lượng, đơn vị trên địa bàn tập trung nhân lực, phương tiện để triển khai.
Hàng rào chắn phong toả đã được thiết lập lên tại ba khu phố phường An Lạc. Ảnh: LÊ THOA
“Xác định khi thực hiện phong toả sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, do vậy quận đã phối hợp với các sở, ngành TP đảm bảo an ninh tật tự, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân”- ông khẳng định và nói quận cũng đã tuyên truyền đến các doanh nghiệp trong khu vực phong toả đồng thuận với chính quyền để sớm ổn định sản xuất trở lại.
Trước đó, chiều 19-6, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn đồng ý việc thiết lập vùng phong toả đối với ba khu phố 2,3,4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Việc này được thực hiện kể từ 0 giờ ngày 20-6 và trong vòng 14 ngày. Vị trí phong toả có tổng diện tích là 317 ha với 17.441 hộ (55.931 người), 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và bốn đơn vị hành chính nằm trong khu vực phong toả. Bốn đơn vị gồm: Văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận. Về biện pháp thực hiện, UBND quận Bình Tân sẽ tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực phong toả với 37 chốt. Cụ thể, đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho lưu thông nhưng không dừng, đỗ. Quận cũng sẽ tiếp tục giữ các chốt tại hẻm hoặc khu vực có nguy cơ cao, đang cách ly hiện hữu (Chung cư Ehome, các hẻm đường Hồ Học Lãm, Khu dân cư Nam Long) và xem như cách ly vòng trong. Đối với các cửa hàng tiện ích, quận Bình Tân sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và chỉ phục vụ người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời chỉ chở hàng hóa, không chở người ra, vào khu vực giãn cách, mỗi lần ra vào đều phải khử trùng, sát khuẩn. |