vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua ngoại tệ kỳ hạn?

2021-06-20 16:53

Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua ngoại tệ kỳ hạn?

Thụy Lê

(KTSG) - Trong khi giá bán ra đô la Mỹ của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên thay đổi song hành theo tỷ giá trung tâm, giá mua thường được giữ cố định, do đó bất kỳ sự thay đổi nào ở khung giá mua cũng khiến thị trường phải lưu tâm.

Một điểm đáng chú ý là NHNN chỉ giảm mạnh giá mua vào trong khi tỷ giá trung tâm lại giảm không đáng kể. Quyết định này nói lên điều gì?

Hệ quả tất yếu?

NHNN gần đây đã bất ngờ giảm 150 đồng giá mua vào đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN kỳ hạn sáu tháng, từ 23.125 xuống còn 22.975 đồng, đồng thời thay đổi từ cho phép hủy ngang một lần sang không cho phép hủy ngang đối với các ngân hàng ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn cho NHNN trong thời gian tới. Chính sách mới này khiến thị trường ngạc nhiên và đưa ra không ít đồn đoán để lý giải.

Trong khi giá bán ra đô la Mỹ của Sở Giao dịch NHNN thường xuyên thay đổi song hành theo tỷ giá trung tâm, giá mua thường được giữ cố định, do đó bất kỳ sự thay đổi nào ở khung giá mua cũng khiến thị trường phải lưu tâm. Cụ thể, tính từ ngày 13-6-2018 đến nay, cơ quan này mới có bốn lần thay đổi giá mua vào và mức giá 23.125 đã được giữ nguyên suốt từ ngày 23-11-2020 cho đến lần điều chỉnh vừa qua vào ngày 8-6-2021. Và mức giảm lần này cũng mạnh hơn rất nhiều so với lần giảm chỉ 25 đồng vào ngày 29-11-2019 và lần giảm 50 đồng vào ngày 23-11-2020.

Nếu nhìn nhận một cách đơn giản, có lẽ NHNN đang phát tín hiệu nhằm hạn chế hành động hủy ngang hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn của các NHTM mà sẽ được thực hiện vào tháng 7 và tháng 8 này.

Với những người theo dõi thường xuyên diễn biến thị trường ngoại hối, việc điều chỉnh giảm giá mua vào dường như là hệ quả tất yếu trong bối cảnh tỷ giá trung tâm lẫn giá bán ra của NHNN đã đi xuống đáng kể từ tháng 4 đến nay.

Tuy nhiên, mức giảm đến 150 đồng ở giá mua vào là khá lớn, tương đương 0,65%, nhất là khi tỷ gia trung tâm lẫn giá bán ra dù đã giảm trong hơn hai tháng qua nhưng so với đầu năm vẫn có sự tăng nhẹ 9 đồng tại ngày 7-6-2021. Do đó, có lẽ còn những động lực khác phía sau chính sách này.

Hay còn lý do khác?

Một số ý kiến cho rằng hành động trên của NHNN hàm ý cơ quan này không còn nhu cầu tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới, khi mà giá mua vào của Sở Giao dịch NHNN hiện đã rớt về mức thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng. Lý giải này dựa trên việc dự trữ ngoại hối cập nhật gần nhất đã vượt mốc hơn 100 tỉ đô la Mỹ, chưa tính đến 7-8 tỉ đô la đã mua được từ đầu năm đến nay ở các hợp đồng kỳ hạn mà sẽ thực hiện vào đầu quí 3, theo đó nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đảm bảo an toàn cao hơn chuẩn của IMF.

Ngoài ra, việc giảm mạnh giá mua vào không chỉ nhằm nương theo sự suy yếu của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, mà còn cho thấy Việt Nam đang thể hiện thiện chí chủ động tăng giá đồng nội tệ theo diễn biến và nhu cầu thị trường, trong bối cảnh vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ từ phía Mỹ.

Một số tổ chức cho rằng hành động giảm giá mua đô la của NHNN sẽ phần nào giải tỏa áp lực từ khía cạnh nhập khẩu lạm phát, khi giá hàng hóa quốc tế thời gian qua đã tăng vọt, khiến chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu của các doanh nghiệp tăng mạnh.

Chẳng những vậy, trước diễn biến đồng nhân dân tệ tăng mạnh gần đây, trong khi Việt Nam nhập khẩu rất nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, nên giá các mặt hàng nhập khẩu từ nước này cũng bị đội lên và gây thêm áp lực lạm phát trong nước. Việc tăng giá đồng nội tệ có thể phần nào giảm bớt áp lực này.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là NHNN chỉ giảm mạnh giá mua vào trong khi tỷ giá trung tâm lại giảm không đáng kể. Vì vậy, nếu nhìn nhận một cách đơn giản, có lẽ NHNN đang phát tín hiệu nhằm hạn chế hành động hủy ngang hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn của các ngân hàng thương mại mà sẽ được thực hiện vào tháng 7 và tháng 8 này.

Cụ thể, hồi đầu năm nay, các ngân hàng thương mại khi ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng với NHNN sẽ được phép hủy ngang 1 lần, tại mức giá thanh toán 23.125 đồng. Nay khi đến gần thời hạn thanh toán, không loại trừ khả năng sẽ có một số ngân hàng muốn hủy ngang, nhưng khi nhà điều hành giảm mạnh giá mua kỳ hạn cho sáu tháng tới xuống còn 22.975 đồng, sẽ khiến các tổ chức này phải suy nghĩ lại vì rõ ràng bán theo hợp đồng đã ký kết đầu năm sẽ được giá hơn.

Còn nếu hủy lần này và ký hợp đồng bán kỳ hạn vào sáu tháng tới, giá sẽ thấp hơn nhiều và cũng không còn được hủy ngang. Cũng cần biết rằng các ngân hàng bị khống chế ở tỷ lệ trạng thái ngoại hối không được vượt quá 20% vốn tự có, do đó không được để tồn ngoại tệ quá nhiều nên luôn có nhu cầu thường trực bán lại ngoại tệ cho NHNN.

Hàm ý dự báo

Đáng lưu ý là việc NHNN giảm giá mua ngoại tệ diễn ra trong thời điểm Việt Nam chứng kiến nhập siêu liên tiếp trở lại trong tháng 4 và tháng 5 hơn 3,2 tỉ đô la, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng suy giảm so với cùng kỳ và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng không dứt trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, với động thái giảm giá mua vào quyết đoán vừa qua, phải chăng nhà điều hành cũng dự báo xu hướng đi xuống của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ chưa dừng lại, trong khi nguồn cung ngoại tệ trong nước sẽ cải thiện dồi dào hơn trong những tháng cuối năm?

Thực tế, theo phân tích từ cuối năm ngoái đến nay, các chuyên gia đều tin rằng đà suy yếu của đô la Mỹ sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, khi nền kinh tế số 1 thế giới dù đang phục hồi nhưng vẫn đang duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức và hàng ngàn tỉ đô la mới được bơm ra thông qua các gói hỗ trợ và kích cầu, vốn sẽ làm giảm giá trị đô la Mỹ.

Ở trong nước, dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại trong hơn một tháng rưỡi qua không chỉ khiến các hoạt động kinh tế bị chững lại, mà còn đẩy một số khu công nghiệp, hàng loạt nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, do đó đã ảnh hưởng đáng kể hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Nếu dịch bệnh thời gian tới sớm được kiểm soát, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ sớm phục hồi trở lại. Ở chiều ngược lại, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh có thể khiến hàng Trung Quốc bớt lợi thế cạnh tranh, giúp giảm nhập siêu của Việt Nam với nước này.

Ngoài dòng kiều hối thường đổ về mạnh trong những tháng cuối năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ giải ngân nhanh hơn, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các hoạt động góp vốn đầu tư có thể tăng trưởng trở lại.

Một số phân tích cũng dự báo nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại mua ròng trên thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm nay, khi Việt Nam đứng trước cơ hội được FTSE nâng hạng vào tháng 9 tới, cũng như hàng loạt thương vụ thoái vốn từ Nhà nước đang được chờ đợi sẽ đẩy nhanh tiến độ trong thời gian còn lại của năm nay.

Xem thêm: lmth.nah-yk-et-iaogn-aum-aig-maig-coun-ahn-gnah-nagn-oas-iv/914713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua ngoại tệ kỳ hạn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools