Để phù hợp với công nghệ xử lý rác hiện nay là tập trung vào tái chế và đốt, TP.HCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành hai nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, các chủ nguồn thải).
Theo đánh giá của chính quyền và người dân, cách phân loại rác này mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và cả đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác.
Phân loại dễ dàng hơn
Theo quy định trước đây, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt phải phân loại rác thành ba nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, các chủ nguồn thải).
Người dân cho rằng việc phân loại rác theo hai nhóm sẽ đơn giản và
dễ thực hiện hơn. Ảnh: NC
Chị Nguyễn Thanh Thùy (ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ: Trước đây người dân cũng được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn nhưng không thực hiện được vì phân làm ba loại thì rất phức tạp, dần dần thì cũng để chung. Nếu đổi việc phân loại rác thành hai nhóm sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều.
“Việc phân loại làm ba nhóm như yêu cầu trước đây rất khó thực hiện được do nhiều gia đình không thể để một lúc 2-3 thùng rác. Điều này rất phiền phức, ngoài ra cũng có nhiều thành viên trong gia đình không chú ý cũng sẽ để lung tung. Nếu như phân loại rác theo hai loại như quy định thì sẽ dễ hơn rất nhiều, dễ thực hiện và thực hiện có hiệu quả” - chị Thanh Thùy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Duy Tân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM: Việc thay đổi cách phân loại rác rất thuận tiện cho cả đơn vị thu gom rác và người dân.
Trên thực tế hiện nay, nhiều hộ dân chưa phân loại thì các đơn vị thu gom rác vẫn chủ động lựa ra phần rác có thể tái chế để bán phế liệu kiếm thêm nguồn thu.
“Chính vì vậy, việc phân loại rác làm hai loại hiện nay các đơn vị thu gom gần như đã thực hiện. Đối với hộ dân, nếu phân thành hai loại thì người dân sẽ dễ hiểu hơn, dễ thực hiện hơn. Việc chia ra nhiều loại quá khiến người dân sẽ rất khó hiểu và không thực hiện, trong hộ gia đình, người dân cũng có các phương tiện dễ phân loại hơn. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ dễ thực hiện và thực hiện có hiệu quả hơn” - ông Tân chia sẻ.
Phù hợp công nghệ tiên tiến
Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: TP đã hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện thay vì chôn lấp. Bởi khi đã sử dụng công nghệ đốt thì không cần thiết phải phân thành ba loại. Nếu chỉ phân làm hai loại thì đỡ tốn công phân nhiều loại và cũng đỡ tốn chi phí xử lý nước rò rỉ rác trong quá trình chôn lấp.
Cũng theo ông Khang, việc phân loại rác đơn giản thì sẽ đỡ chi phí trong chuỗi thu gom, vận chuyển từ nhà dân đến nơi xử lý. Ví dụ, nếu chúng ta phân làm ba loại thì phương tiện thu gom cũng phải tách làm ba, điều này sẽ phức tạp hơn và hiện TP cũng chưa thực hiện được.
“Bên cạnh đó, công nghệ đốt, không phải phân thành ba loại, không phải tốn diện tích chôn lấp và không phải xử lý nước rò rỉ. Trong quá trình chôn lấp, nước rỉ rác nếu ngấm vào nước ngầm thì rất nguy hiểm” - ông Khang đánh giá
Đại diện Công ty Môi trường đô thị TP.HCM cho biết: Việc phân loại rác từ ba loại thành hai loại từ lâu nay các chủ nguồn thải, hộ gia đình đã thực hiện. Họ phân chất thải tái chế bán hoặc cho đơn vị thu gom. Do đó khi thực hiện chương trình phân loại rác thành hai nhóm (chất thải tái chế và chất thải còn lại) sẽ rất thuận tiện cho bà con.
Theo quy định hiện nay, phần rác tái chế người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, việc này sẽ tạo thêm nguồn thu nhập không chỉ cho chủ nguồn thải, hộ gia đình mà còn mang lại giá trị kinh tế cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý. Bên cạnh đó, tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm Tái chế chất thải góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất thải phế liệu, giảm chi ngân sách TP, giảm ô nhiễm môi trường.
“Đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển việc phân rác làm hai loại giúp dễ dàng thực hiện, không phải đầu tư thêm thiết bị, phương tiện. Và các đơn vị sẽ tích cực thực hiện vì lúc này nhóm chất thải tái chế đã mang giá trị kinh tế buộc họ phải thu gom và lưu chứa riêng loại rác này” - đại diện Công ty Môi trường đô thị TP.HCM chia sẻ.
Đã trình dự án về xử lý chất thải tái chế Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) đã trình Sở TN&MT, UBND TP.HCM dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Dự án nhằm mục đích quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung của dự án sẽ tập trung vào việc thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM; thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải. Theo đó, những chất thải tái chế (nhựa, nylon, giấy, sắt, chai thủy tinh…) sẽ được thu gom tại các trạm trung chuyển của công ty, các địa bàn công ty trúng thầu, các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn. Bên cạnh đó, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn TP tổ chức tuần lễ thu đổi chất thải tái chế định kỳ hằng tuần/hằng tháng. Hoạt động thu gom chất thải tái chế cũng sẽ được thông qua hình thức đổi quà và đổi thành tiền. Bảng giá thu đổi chất thải tái chế theo giá thị trường. Định kỳ hằng tuần, CITENCO sẽ công bố công khai bảng giá trên website của công ty và các điểm thu gom. |