Ngày 20-6, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến về phương án phòng, chống dịch trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao. Đại diện 21 quận, huyện và TP Thủ Đức của TP.HCM.
Buổi tập huấn nằm trong chương trình làm việc của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19.
Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, nhận định tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh đòi hỏi công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải hết sức quyết liệt, đặc biệt tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN.
Kinh nghiệm cho thấy nếu doanh nghiệp nào không triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch triệt để, doanh nghiệp không quan tâm và người lao động không thực hiện thì dịch bệnh sẽ bùng phát, không chỉ một vài ca bệnh mà hàng loạt ca bệnh ở các công xưởng, không chỉ lây lan trong một công ty mà có thể lây lan các công ty khác có liên quan.
Cũng theo các chuyên gia, TP.HCM có rất nhiều KCN, nếu không có biện pháp dự phòng, thì nguy cơ “vỡ trận” trong KCN là rất lớn. Không chỉ ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, nguồn thu của doanh nghiệp và tình hình kinh tế của TP, số lượng ca bệnh lớn sẽ dẫn đến quá tải khối điều trị.
Do vậy, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM tổ chức 100 đoàn kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Mục đích nhằm giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Dự kiến, 100 đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá từ 21-6. Trong vòng 3-5 ngày, các đoàn phải đánh giá và hướng dẫn cho các doanh nghiệp có quy mô trên 200 công nhân (khoảng hơn 2.000 cơ sở).
Đối với những cơ sở vẫn còn những tồn tại phải tự khắc phục. Đoàn sẽ tái kiểm tra trong vòng 1 tuần. Những doanh nghiệp có nguy cơ cao, nếu không khắc phục được các nguy cơ phải yêu cầu tạm dừng hoạt động…
Theo kế hoạch, nội dung đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp sẽ dựa trên 15 tiêu chí với tổng số 300 điểm. Trong đó, một số tiêu chí nổi bật như: số lượng người lao động làm việc tập trung (10 điểm), mật độ người lao động diện tích làm việc cho 1 người lao động (10 điểm), nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (30 điểm), sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc (30 điểm), tổ chức bữa ăn ca cho người lao động (45 điểm)…
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết trên cơ sở đề xuất và tổng hợp từ các ngành, Ban quản lý sẽ tham mưu UBND TP về các tổ đánh giá các doanh nghiệp.
Các đoàn kiểm tra khi làm nhiệm vụ sẽ phải có phương án bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài và bên trong, lấy mẫu xét nghiệm thành viên đoàn trước khi đi kiểm tra.