vĐồng tin tức tài chính 365

Quảng cáo gian dối là tội phạm

2021-06-21 10:32

Quảng cáo gian dối là tội phạm

Phan Nhật

(KTSG) - Một người bạn gửi cho tôi đường link quảng cáo sản phẩm một “thần dược” kèm với thông tin cơ quan chức năng đã thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với... thực phẩm bảo vệ sức khỏe đó. Tại sao những kiểu quảng cáo như vậy cứ hiện diện, tràn lan? Ở thời quảng cáo bát nháo và bất minh bùng nổ, pháp luật đang ở đâu, sao khó thấy?

Một quảng cáo thuốc trên YouTube.

Bắt hình dong quảng cáo bát nháo

Hoạt động quảng cáo hiện nay phát lộ nhiều vấn đề cần được nhận diện.

Thứ nhất, quảng cáo trực tuyến và quảng cáo qua mạng xã hội đang bùng phát. Đặc biệt, quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube... và các trang mạng xã hội khác đang có xu hướng vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý trong nước.

Thứ hai, sản phẩm được quảng cáo nhiều là thuốc, thực phẩm chức năng hay sản phẩm làm đẹp. Thậm chí, phương pháp điều trị bệnh được lưu truyền bí kiếp “ba đời nhà tôi” đang nở rộ, tự tin công khai với thông điệp: Bệnh gì cũng hết, chỉ cần gọi điện là được chẩn đoán và bốc thuốc. Đương nhiên, công dụng thật sự của các sản phẩm hầu như khó có thể kiểm tra, xác định khi chưa sử dụng xong... một đời.

Dù có là nghệ sĩ hay bất kỳ ai thì một khi đã tham gia quảng cáo gian dối cùng với người khác thì cũng có nghĩa là đang đóng vai trò đồng phạm trong thực hiện hành vi phạm tội quảng cáo gian dối.

Và thứ ba, không ít nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm trên. Điều đáng nói là sau một thời gian, nhiều nội dung quảng cáo bị hoài nghi. Một số quảng cáo đã thật sự... không đúng sự thật. Vài nghệ sĩ cũng đã phải thừa nhận và xin lỗi khán giá và người mua hàng.

Chỉ tiếc rằng, với thực tế đó, số lượng các cuộc thanh - kiểm tra và xử lý lại không nhiều. Trong đó, đa phần được thực hiện bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, ví dụ, một số quyết định xử phạt đã được ban hành bởi Thanh tra Bộ Y tế đối với các quảng cáo “lỗi” về thuốc và thực phẩm chức năng. Nhưng suy cho cùng, nguyên cớ của việc xử phạt là vì các bên liên quan đã tung clip quảng cáo về sản phẩm khi chưa có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo hay cũng có trường hợp là khi các giấy chứng nhận này đã bị thu hồi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ quản về hoạt động quảng cáo, hiếm khi xuất hiện trước những “dâu bể” quảng cáo hiện thời. Chỉ mới đây, khi làn sóng phản ứng những sản phẩm quảng cáo thiếu chuẩn xác thu hút lòng tin của người mua hàng bằng sự tham gia của một số nghệ sĩ lên cao, cơ quan này mới lên tiếng và xúc tiến rà soát. Có điều, cần phải khẳng định rằng, đây là đợt tấn công kiểm duyệt quảng cáo “xạo” chứ không phải kiểm tra hoạt động của nghệ sĩ dù nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, vẫn đang tham gia vào hoạt động quảng cáo.

Quảng cáo gian dối: xử luôn đồng phạm

Vấn đề còn lại là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các chế tài, đặc biệt là các chế tài đủ sức răn đe. Rất may, trong lúc đang chờ đợi các quy định mới hơn về quảng cáo trong kỷ nguyên số, Chính phủ đã ban hành nghị định về xử phạt các vi phạm trong quảng cáo mới (Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1-6-2021).

Nhưng mức phạt tối đa 100 triệu đồng dành cho việc thực hiện các hành vi bị cấm trong quảng cáo cũng được dự báo là không đủ sức răn đe, kiềm hãm tốc độ vi phạm. Thậm chí, ngay sau ngày văn bản này có hiệu lực, quảng cáo về “thần dược” vẫn diễn ra mặc dù một loạt giấy phép liên quan sản phẩm đã bị thu hồi.

Điều đó cho thấy, những vi phạm trong quảng cáo ngày càng nghiêm trọng. Quảng cáo không đúng hay quảng cáo sai sự thật vẫn xuất hiện mặc dù đây là hành vi bị cấm được nhắc đến cả trong Luật Quảng cáo, Luật Thương mại và nhiều văn bản khác.

Đến đây, cần phải nhắc lại rằng, quảng cáo gian dối là tội danh được nhắc đến trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, và vì vậy người thực hiện hành vi này có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền, cải tạo không giam giữ (đến ba năm) và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hay công việc nhất định là những loại hình phạt mà người phạm tội có khả năng phải chịu. Đương nhiên, để có thể xử tội, việc xử phạt vi phạm hành chính trước đó là điều kiện tiên quyết quan trọng.

Thú vị là, tội quảng cáo gian dối không phải chỉ mới được quy định trong BLHS hiện hành. Tội danh này đã được nhắc đến lần đầu tiên trong BLHS 1999. Thậm chí, hình phạt tù cũng có thể được áp dụng cho người phạm tội quảng cáo gian dối theo quy định của BLHS 1999 này.

Nhưng ngược lại, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với tội danh này thì hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm ngay cả khi hành vi đó chưa gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Tất nhiên, một khi hậu quả đã xảy ra thì hậu quả đó trở thành căn cứ để tòa án quyết định hình phạt tương xứng.

Rất tiếc, tội danh này có vẻ vẫn còn khá xa lạ và mới mẻ với hoạt động tư pháp. Theo tìm hiểu của người viết, hiện vẫn chưa có một bản án nào được tuyên cho tội quảng cáo gian dối mặc dù các cuộc kiểm tra của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm gần đây đều cho thấy không ít công ty phân phối các loại thực phẩm chức năng đã phát hành các sản phẩm quảng cáo không đúng nội dung thẩm định, thậm chí còn có quảng cáo tự gán thực phẩm chức năng là... thần dược. Do đó, một bản án được tuyên “đúng thời điểm” lúc này sẽ là một hồi chuông cảnh báo quan trọng cho các hoạt động quảng cáo bát nháo hiện thời.

Đương nhiên, tiến trình tố tụng sẽ phải vượt qua những thử thách do cách mô tả đơn giản của pháp luật hình sự về tội danh. Thay vì tìm kiếm dấu hiệu nhận dạng tội quảng cáo gian dối qua hành vi... quảng cáo gian dối, các quy định về hành vi quảng cáo không đúng và gây nhầm lẫn trong Luật Quảng cáo và quy định về quảng cáo sai sự thật trong Luật Thương mại có thể được dẫn chiếu, tham khảo.

Các quy định này có mô tả khá tương đồng về những chiêu thức của người quảng cáo khi cố tình cung cấp thông tin không đúng, sai lệch về hàng hóa, chất lượng và công dụng của hàng hóa..., thậm chí là cả kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ hay chủng loại hàng hóa, dịch vụ... Pháp luật chuyên ngành, như Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm... cũng có cách tiếp cận tương tự. Đáng chú ý là, đây là các hành vi quảng cáo bị cấm trong các văn bản luật này như đề cập ở trên.

Cũng cần phải nói thêm rằng, khi tội quảng cáo gian dối được tòa nêu tên thì ngoài người chẳng phải thuộc “nhà tôi ba đời”, những người nói dối rằng mình đã sử dụng sản phẩm này, trải nghiệm sản phẩm kia... cũng sẽ phải đối diện với án phạt.

Ngoài người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, pháp luật hình sự còn truy cứu và áp dụng hình phạt với các đồng phạm. Cho nên, dù có là nghệ sĩ hay bất kỳ ai thì một khi đã tham gia quảng cáo gian dối cùng với người khác thì cũng có nghĩa là đang đóng vai trò đồng phạm trong thực hiện hành vi phạm tội nêu trên. 

Xem thêm: lmth.-mahp-iot-al-iod-naig-oac-gnauq/314713/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quảng cáo gian dối là tội phạm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools