Mới đây, câu chuyện Tổng thống Mỹ Joe Biden tặng Thủ tướng Anh Boris Johnson một chiếc xe đạp thủ công trị giá 6.000 USD đã gây chú ý với giới truyền thông. Trên thực tế Bộ ngoại giao Mỹ chỉ chi 1.500 USD cho doanh nghiệp sản xuất thủ công chiếc xe này, nhưng giá thực tế của nó trên thị trường vào khoảng 6.000 USD. Thậm chí với những mẫu xe đặt hàng thủ công gấp, giá của chúng có thể lên tới 10.000 USD.
Đến đây, câu chuyện vẫn chưa hết thú vị khi nhà lãnh đạo Anh có thể sẽ phải bỏ hơn 1.500 USD bao gồm thuế để sở hữu món quà mình được tặng. Nguyên nhân là theo quy định, các bộ trưởng và nhà lãnh đạo Anh chỉ được nhận những món quà có giá dưới 140 Bảng, tương đương 200 USD. Nếu họ muốn giữ những món đắt tiền thì phải bỏ tiền túi, còn không chúng sẽ trở thành tài sản quốc gia và được chính phủ bảo quản, lưu giữ hay thậm chí bán đấu giá nếu cần thiết.
Chiếc xe in hình quốc kỳ Anh được Tổng thống Biden tặng Thủ tướng Johnson
Việc các Thủ tướng Anh phải bỏ tiền túi mua quà không hề hiếm. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã từng mua tới 4 món quá chỉ trong quý I/2014 vì quá thích chúng. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Anh thậm chí được nhận rất nhiều những món quà trời ơi đất hỡi dựa trên sở thích cũng như ý nghĩa của sự kiện.
Cựu Quốc vụ khanh Michael Gove đã từng được tặng các vé xem kịch Opera với tổng giá trị lên đến 1.332 Bảng. Ông cũng từng nhận được cặp vé xem bóng đá trị giá tới 500 Bảng. Tuy nhiên, Cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg có lẽ là người duy nhất trong lịch sử lãnh đạo Anh được nhận quà là thực phẩm.
Chuyện quà cáp của Tổng thống
Về phía Mỹ, Tổng thống Biden được tặng một bức ảnh nhưng chúng không được tiết lộ mức giá. Dẫu vậy theo quy định, các Tổng thống Mỹ bị cấm giữ những món quà có giá hơn 415 USD, thay vào đó chúng sẽ được gửi đến Cơ quan lưu trữ quốc gia và chuyển tới Thư viện Tổng thống để trưng bày khi hết nhiệm kỳ.
Với những trường hợp Tổng thống muốn giữ quà, họ phải chi tiền túi của mình ra theo giá thị trường. Tuy nhiên ngay cả khi muốn mua lại quà cũng chưa chắc đã được bởi theo Hiến pháp, các nhà lãnh đạo Mỹ hay bất kỳ nhân viên liên bang nào cũng không được nhận quà từ những người có chức quyền ở nước ngoài nếu chưa được sự đồng ý của Nghị viện.
Việc chính phủ quy định khắt khe việc tặng quà này nhằm chống tham nhũng và đảm bảo an ninh quốc phòng, tránh lộ thông tin bí mật quốc gia. Thông thường Nghị viện Mỹ chỉ chấp nhận Tổng thống nhận quà với giá trị tối thiểu từ chính phủ nước ngoài để giữ phép lịch sự bởi việc từ chối nhận quà có thể gây ra tình huống khó xử trong ngoại giao, thậm chí gây nên những hiểu lầm không đáng có.
Ngoài ra, tiêu chuẩn về giá trị tối thiểu mà Tổng thống được nhận cũng thay đổi 3 năm một lần. Vào năm 2014, giá trị tối thiểu của món quà là 375 USD.
Dẫu vậy, rất nhiều chức sắc nước ngoài tặng những món quà xa xỉ cho các đời Tổng thống Mỹ nhằm thể hiện thiện chí cũng như mong muốn thắt chặt quan hệ với nền kinh tế số 1 thế giới này. Ví dụ vào năm 2014, Ả Rập Xê Út đã tặng Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama 6 món quà với tổng trị giá hơn 1,3 triệu USD bao gồm đồng hồ vàng và trang sức ngọc trai, kim cương cho phu nhân.
Trong một số trường hợp, các món quà cần được mật vụ Mỹ kiểm tra trước khi được đưa tới tay các nhà lãnh đạo, thường là những vật phẩm liên quan đến đồ ăn vì lý do an ninh. Ví dụ chai rượu cognac trị giá 615 USD của Thủ tướng Moldova tặng Tổng thống Mỹ năm 2014.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng được phép nhận quà từ công chúng nhằm tạo điều kiện cho người dân thể hiện sự ủng hộ với các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên nếu chúng có giá cao hơn 350 USD thì Tổng thống sẽ phải liệt kê trong bảng kê khai tài chính nhằm đảm bảo sự minh bạch.
Từ thiện, dùng chung hoặc tiêu huỷ
Quay ngược lại năm 1880, Nữ hoàng Anh Victoria đã tặng Tổng thống Mỹ Rutherford B.Hayes một chiếc bàn gỗ được chạm khắc công phu từ xác của con tàu H.M.S Resolution của Anh. Nhiều năm sau nó trở thành vật cố định trong phòng bầu dục như một minh chứng cho hàng loạt các món quà thú vị mà các nhà lãnh đạo Mỹ nhận được sau này.
Trong nhiều thập niên, các đời Tổng thống Mỹ đã nhận được vô số những món quà kỳ lạ. Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt từng nhận được một chú ngựa vằn và một con hổ làm quà từ nhà lãnh đạo Ethiopia. Cựu Tổng thống Richard Nixon thì từng nhận được một chú gấu trúc từ Trung Quốc còn nhà lãnh đạo George Bush thì nhận được hẳn 300 pound thịt cừu sống từ Argentina.
Dẫu vậy sự việc hy hữu nhất là khi Cựu Tổng thống Lyndon B.Johnson nhận được một chiếc áo khoác hiệu Burberry từ Thủ tướng Anh nhưng mặc không vừa nên ông đòi đổi cỡ áo. Vậy là khi nhà lãnh đạo Anh lên đường ra sân bay, mật vụ Mỹ đã phải hối hả đuổi theo họ để đổi áo và khiến dân tình một phen hốt hoảng không hiểu chuyện gì xảy ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tặng Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump một quả bóng
Trong quá khứ, tất cả các món quà ngoại giao đến Tổng thống phải được thông qua Nghị viện Mỹ nhưng với sự gia tăng sức ảnh hưởng và số lượng quà tặng, nước này đã phải thành lập hẳn nên một cơ quan chuyên phụ trách chuyện quà cáp vào năm 1928 nhằm quản lý cũng như giúp các nhà lãnh đạo chọn quà ngoại giao.
Mặc dù theo quy định các món quà phải được gửi đến Cơ quan lưu trữ quốc gia nhưng nhiều trường hợp chúng sẽ được dùng làm từ thiện, sử dụng chung hoặc tiêu hủy do không phù hợp. Ví dụ Tổng thống Bulgaria từng gửi một con cún con đến làm quà tặng cho Cựu Tổng thống George W.Bush nhưng thay vì đưa đến Cơ quan lưu trữ, chúng được gửi nuôi tại một gia đình khác.
Theo chiều ngược lại, cơ quan phụ trách quà cáp cho Tổng thống cũng phải chọn lựa kỹ càng nhằm tư vấn những món đồ mà Mỹ nên tặng cho lãnh đạo các nước. Trong khi Thủ tướng Anh Johnson khá dễ tính khi thỉnh thoảng gợi ý món đồ ông thích được tặng thì nhiều trường hợp, các nhân viên công vụ phải tổ chức họp để nghiên cứu món quà nào thích hợp nhất cho chuyến thăm ngoại giao.
Đôi khi, cơ quan này phải huy động cả đại sứ của nước họ sẽ đến thăm, các mật vụ hay bất kỳ phòng ban liên quan nào nhằm đảm bảo món quà không gây hiểu lầm hoặc tạo ra các cuộc khủng hoảng ngoại giao không cần thiết. Tất nhiên, điều kiện kiên quyết của các món quà này là chúng phải được làm ra bởi Mỹ, hay chí ít là "Made in America".
Có một sự thật trớ trêu là Mỹ không hề có tiêu chuẩn giới hạn giá trị quà tặng cho Tổng thống trước năm 1966. Quy định này chỉ xuất hiện khi các vị vua Ả Rập có thói quen tặng những món đồ xa xỉ như xe thể thao, ngựa đua, đồng hồ xịn hay trang sức cho các đời Tổng thống, qua đó buộc Nghị viện phải ban hành luật mới nhằm tránh tình trạng hối lộ, khó xử hay tạo hiểu lầm trong quan hệ ngoại giao.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị