Liên quan đến vụ việc tạo lập khống 57 bộ hồ sơ vụ án tại TAND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), đã có 3 cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức "Khiển trách". Tuy nhiên, người "đạo diễn" vụ việc này là bà Bùi Thị Dung - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song đến nay vẫn chưa bị xử lý dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhắc lại tiến trình vụ việc, bà Bùi Thị Dung - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song được bổ nhiệm vào tháng 7.2012 đến tháng 7.2017 thì hết nhiệm kỳ.
Nhận thấy tỷ lệ án hủy trong nhiệm kỳ cao hơn mức quy định (1,16%) nên đầu năm 2016, bà Dung đã nhờ các cá nhân quen biết và bản thân tự nộp nhiều đơn khởi kiện không có bị đơn và tranh chấp trên thực tế tại TAND huyện Đắk Song.
Cá nhân bà Dung tự bỏ tiền để đóng tạm ứng án phí và báo cáo lãnh đạo xin được xét xử nhiều án để nâng cao tỷ lệ xét xử giảm tỉ lệ án hủy để được đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp.
Các hồ sơ trên gồm 57 bộ đã được TAND huyện Đắk Song thụ lý và giao cho một số thẩm phán, thư ký giải quyết theo hướng đình chỉ do đương sự rút đơn khởi kiện.
Sau khi nắm được thông tin, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông đã chủ động trao đổi, phối hợp với lãnh đạo VKSND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra làm rõ.
Tháng 3.2017, bà Dung đã có đơn xin thôi việc với lý do cá nhân và được cho thôi việc kể từ ngày 1.4.2017.
Luật sư Tạ Quang Tòng – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - nhận định, khái niệm "hạ cánh an toàn" giờ không còn nữa và cá nhân vẫn sẽ bị xử lý nếu như hành vi sai phạm bị phát hiện sau khi đã xin thôi việc.
Hành vi vi phạm được phát hiện lúc nào thì phải được phát hiện, xử lý kịp thời và chặt chẽ tại thời điểm bị phát hiện. Nếu vi phạm pháp luật hình sự thì phải bị xử lý hình sự còn vi phạm pháp luật hành chính thì vẫn bị xử lý hành chính.
"Đối với trường hợp bà Bùi Thị Dung vẫn chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào kết luận vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, bà này đã vi phạm về kỷ luật làm việc đối với cán bộ, công nhân viên chức, tạo lập hồ sơ "khống" và đã có động cơ vụ lợi để mong được bổ nhiệm lại.
Tuy hành vi của bà Dung chưa gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước nhưng đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cơ quan toà án. Và không thể nói bà Dung đã nghỉ việc là không thể truy cứu trách nhiệm được.
Mặt khác, sau khi bà Dung xin thôi việc thì đã làm hồ sơ gửi TAND lẫn Sở Tư Pháp tỉnh Đắk Nông xin cấp giấy tờ hành nghề luật sư. Phía cơ quan toà án khi cho thôi việc đã không xác nhận việc bà này có bị kỷ luật hay không nên bà này đã gia nhập được vào đoàn luật sư ở địa phương. Đối với vụ việc, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nên nghiên cứu, giải quyết", luật sư Tòng nhấn mạnh.
Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Đức Thọ - Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho rằng, đối với một người làm trong nghề toà án và được bổ nhiệm làm thẩm phán đã là sự phấn đấu lâu dài.
"Khi bà Dung xin nghỉ đã là việc lớn. Tại thời điểm cho bà Dung nghỉ việc thì vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Xử lý vụ việc này nặng hay nhẹ, tương xứng hay không thì tuỳ theo góc độ ta nhìn nhận, quan điểm và cách đánh giá. Ví như, thư ký xin nghỉ việc là một chuyện nhưng khi một thẩm phán xin nghỉ việc lại là câu chuyện khác.
Tuy nhiên, khi bị phát hiện vụ việc thì bà Dung cũng đã cầu thị, làm giải trình, báo cáo và đã tự nguyện viết đơn xin thôi việc. Nếu như một người đã xin ra khỏi ngành thì làm đơn xin thôi việc hay buộc thôi việc cũng không nghĩa lý gì cả.
Đối với việc bà Dung xin được giấy phép hành nghề luật sư phải xem xét lại hồ sơ vụ việc. Nếu đúng là phía TAND tỉnh có xác nhận thì đơn vị mới lên tiếng phản hồi. Còn nếu bà Dung làm hồ sơ và ký xác nhận tại địa phương về việc chấp hành quy định pháp luật thì vấn đề lại khác", ông Thọ thông tin.
Xem thêm: odl.804229-os-oh-ob-75-gnohk-pal-uv-yl-ux-ceiv-ev-ion-gnon-kad-aot-hnahc/taul-pahp/nv.gnodoal