Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến nay đã có ba ngân hàng SeABank, MSB, SHB, cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng nói trên và Vietnam Airlines đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân, dự kiến trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới đây.
Việc Vietnam Airlines được cấp vốn vay 4.000 tỷ đồng sẽ giúp hãng hàng không giảm bớt áp lực trả các khoản nợ đến hạn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Trong quý 1/2021, Vietnam Airlines đã lỗ 4.800 tỷ đồng và 6 tháng có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm của Vietnam Airlines là 14.219 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn 1.030 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines hiện đang vay MSB 258 tỷ đồng và SeABank khoảng 460 tỷ đồng. Các ngân hàng lớn khác cho Vietnam Airlines là Vietcombank (7.544 tỷ đồng), BIDV (2.645 tỷ đồng), Vietinbank (1.379 tỷ đồng), Techcombank, MB và Eximbank cùng cho vay trên 800 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2021, Vietnam Airlines vay nợ tổng cộng 16.465 tỷ đồng, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với đầu năm.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị