Ngày 21/6, Công an Hà Nội cho biết nhiều người đang bị cuốn theo các "app giật đơn" (quay số để mở đơn hàng) và điều này đã giúp cho kẻ gian trục lợi. Một số ứng dụng có hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động dưới hình thức phát hành điểm thưởng cho người chơi và hứa hẹn có thể rút được tiền mặt. Các app như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888,... lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không liên kết với sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng.
Để tìm kiếm "con mồi", nhóm lừa đảo liên tục đăng bài viết quảng cáo lên các trang mạng xã hội, trả lãi ban đầu nếu mời được thêm người chơi mới.
Theo đó, người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người khác tham gia và "giật" đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư. Tiền kiếm được của người dùng sẽ tỉ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ.
Người chơi có thể rút thành công tiền mặt trong những lần đầu còn sau đó hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền. Khi đã kiếm được số tiền lớn, nhóm lừa đảo không cho người chơi rút số tiền đã đầu tư.
Theo công an, các website này có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa. Các trang web thường có giao diện đơn giản, ngôn ngữ lập trình không tối ưu.
Điều đặc biệt, các app lừa đảo không có trên App Store hoặc CHPlay do không đảm bảo được các điều kiện bảo mật thông tin. Người dùng muốn cài app phải tải từ website do nhóm lừa đảo cung cấp.
Công an Hà Nội khuyến cáo, hoạt động của các ứng dụng, website "giật" đơn hàng ảo này có dấu hiệu của tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản theo điều 290 Bộ luật hình sự.
Một số trường hợp, nhóm lừa đảo tổ chức huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 98/2020 hoặc xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp theo điều 217a Bộ luật hình sự.
Han (t/h từ Vnexpress, Tuổi Trẻ)