Theo chuyên gia, trong nửa cuối năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng giảm tỉ trọng cổ phiếu và tăng tỉ trọng tiền mặt.
Những rủi ro của giai đoạn 2007 đã không còn
Nửa đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nóng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho nền kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có đặc điểm của giai đoạn bùng nổ năm 2007, sau đó đổ vỡ vào đầu 2008 và đi vào giai đoạn thoái trào đến tận 2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Fiin Group, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã không còn những rủi ro như giai đoạn 2007.
“Một là, giai đoạn 2006-2007, thị trường được cả dòng tiền trong nước và dòng tiền của khối ngoại trong khi giai đoạn hiện nay thì chủ yếu là dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước trong khi khối ngoại tiếp tục “xả hàng” mạnh mẽ. Hai là, chúng tôi có rà soát lại các chỉ số định giá tại thời điểm cuối quý I-2007 (khi VN-Index giao động quanh mức 1.130) thì quả thực các chỉ số định giá lúc đó ở mức rất cao so với giai đoạn hiện nay”, Fiin Group nhận định.
Cụ thể, dữ liệu của Fiin Group cho biết P/E của VN-Index giai đoạn 2006-2007 ở mức 31,4x và P/B ở mức 8,9x với chỉ gần 140 cổ phiếu niêm yết, tổng vốn hóa khoảng 364 nghìn tỉ đồng và thanh khoản hàng ngày bình quân 1,2 nghìn tỉ đồng. Hiện nay độ rộng của thị trường đã tăng gấp khoảng 17 lần về thanh khoản, 14 lần về vốn hóa và 9 lần về số lượng tài khoản chứng khoán trong khi mức định giá ở mức thấp và hợp lý hơn nhiều lần.
“Riêng cổ phiếu ngân hàng lúc đó với 2 ngân hàng niêm yết, có định giá P/E chỉ ở mức 21x nhưng P/B ở mức lên tới 9,6x. Trong khi hiện nay 27 ngân hàng niêm yết tại thời điểm hiện tại có P/E chỉ 15,5x và P/B ở mức 2,6x”, Fiin Group phân tích.
Theo các chuyên gia của Fiin Group, với mức P/E 18,6x và PB 2,8x thì VN-Index hiện đang được giao dịch thấp hơn trong tương quan với lợi nhuận nhưng cao hơn đáng kể trong tương quan với giá trị sổ sách so với các thị trường trong khu vực. Điểm đáng lưu ý là rất ít thị trường trong khu vực có thể có được dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 20,6% cả năm 2021 và 33,4% trong năm 2022. Điều này có lẽ đã tạo nên sự khác biệt cho câu chuyện của Việt Nam và VN-Index là chỉ số có mức tăng lớn nhất từ đầu năm 2021 so với các thị trường mới nổi.
Chuẩn bị cho cú điều chỉnh nửa cuối năm 2021
Trước băn khoăn của giới đầu tư về việc khi lãi suất tăng trở lại thì giá cổ phiếu có giảm hay không, Tổng Giám đốc SGI Capital - ông Lê Chí Phúc cho biết trong khoảng 30 năm trở lại đây, hơn 80% thời gian lãi suất tăng thì giá cổ phiếu cũng tăng. Chỉ hơn 10% thời gian còn lại, lãi suất tăng thì giá cổ phiếu giảm. Đặc biệt, hiện tượng giảm này cũng chỉ thực sự xảy ra vào khoảng cuối mỗi chu kỳ, trong bối cảnh lãi suất ở mặt bằng trung bình lâu và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo ông Lê Chí Phúc, trong nửa đầu năm 2021, sức nóng của thị trường đã đẩy chỉ số VN-Index tăng đến hơn 20% so với đầu năm, trong đó rất nhiều cổ phiếu tăng 50%, thậm chí là 70%. Như vậy, kỳ vọng của nhà đầu tư đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, phần tăng của thị giá đã đáp ứng phần tăng của lợi nhuận kỳ vọng. Trong đó, những ngành như chứng khoán, ngân hàng, thép đã có mức tăng trưởng theo đúng nhịp độ của thị trường.
Ông Lê Chí Phúc nhận định nửa cuối năm 2021 nhiều khả năng thị trường sẽ có một cú điều chỉnh.
Trong nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư được khuyến nghị nên thận trọng hơn, cơ cấu lại tỉ trọng danh mục theo hướng giảm tỉ trọng cổ phiếu và tăng tỉ trọng tiền mặt.
Ông Lê Chí Phúc cho rằng trong nửa cuối năm, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát dần và tỉ lệ dân số được tiêm chủng đạt mục tiêu, một số ngành hứa hẹn phục hồi mạnh mẽ bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường như bán lẻ, các nhóm ngành liên quan đến hàng không và dịch vụ trong ngành hàng không.
Trong khi đó, Fiin Group cho rằng một số ngành còn dư địa tăng giá nếu dựa trên tiềm năng định giá bao gồm bảo hiểm, bất động sản và bán lẻ.
Ở chiều ngược lại, Fiin Group chỉ ra một số ngành đã được định giá quá cao so với triển vọng lợi nhuận tương lai và cả bình quân mặt bằng định giá 3 năm qua như: Công nghệ thông tin, dầu khí, hóa chất, dịch vụ công nghiệp, du lịch & giải trí.
Xem thêm: odl.367229-1202-man-iouc-aun-gnort-oan-ueihp-oc-oav-neit-tor-nen-ut-uad-ahn/et-hnik/nv.gnodoal