vĐồng tin tức tài chính 365

CEO BusMap: Bỏ việc ở Google về Việt Nam startup, được Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD chỉ sau 3 lần gặp, xây bản đồ Covid

2021-06-22 09:33

CẬU SINH VIÊN TẠO ỨNG DỤNG 2 TRIỆU NGƯỜI DÙNG

* Chúc mừng anh Thanh và BusMap đã nhận đầu tư từ Tập đoàn Phenikaa. Anh có thời gian làm việc tại nhiều startup cũng như thực tập tại Google Mỹ với mức lương 6.000 USD. Tại sao anh từ bỏ tất cả để đi đường dài với BusMap?

Lý do tôi từ bỏ công việc tại Google bởi khi còn là sinh viên, tôi thích làm những việc liên quan đến khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm mới nhiều hơn so với làm công nghệ trong những dự án nhỏ trong các công ty công nghệ lớn. Ngoài ra tôi cũng muốn khởi nghiệp để học hỏi và thử thách bản thân mình hơn.

Tuy nhiên năm 2016, sau khi ra trường, tôi chưa thể thành lập công ty ngay, vì khởi nghiệp không chỉ cần "background" công nghệ, mà còn yêu cầu nhiều kỹ năng khác nữa. Do đó, tôi đi làm tại startup khác để học hỏi trước, rồi nâng dần độ khó, đảm nhiệm những vai trò chức vụ cao hơn: từ quản lý một nhóm làm công nghệ rồi thành CTO và sau đó là CEO của những startup khác. Trong quá trình ấy, có những lúc thành công, cũng có khi thất bại và tôi học hỏi được rất nhiều.

Đến 2019, tôi quyết định xây dựng startup đầu tiên của chính mình, từ chính ứng dụng BusMap.

* Nghe nói BusMap được anh ấp ủ từ giảng đường đại học?

Đúng vậy, hồi năm 2013, tôi cũng đi xe buýt đi học. Khi ấy, công nghệ chưa phát triển và người ta phải sử dụng bản đồ giấy được dán ở các trạm dừng. Điều này gây khó khăn cho mọi người trong việc tìm cung đường di chuyển, vì Tp. HCM hay Hà Nội có đến hơn 100 tuyến xe. Lúc đó cũng chưa có ứng dụng nào giúp tra cứu chi tiết hay tìm đường đi. Ý tưởng tạo nên bản đồ dành cho xe buýt BusMap hình thành từ hoàn cảnh đó. Tôi nghiên cứu và phát triển ứng dụng cho đến ngày ra trường. Khi làm việc tại những công ty khác, tôi vẫn duy trì nó như một dự án cá nhân. Đến nay, BusMap đã có hơn 2 triệu người dùng.

CEO BusMap: Bỏ việc ở Google về Việt Nam startup, được Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD chỉ sau 3 lần gặp, xây bản đồ Covid-19 miễn phí cho Đà Nẵng & Hải Dương  - Ảnh 1.

* BusMap có gì khác so với Google Map hay những sản phẩm công nghệ bản đồ đã có trên thị trường như Timbuyt (tại Hà Nội), thưa anh?

Ứng dụng Timbuyt tại Hà Nội phát triển sau BusMap khoảng 2 năm rưỡi. Cơ bản về tính năng của hai ứng dụng gần giống nhau, nhưng Timbuyt được phát triển theo hướng dành riêng cho xe buýt Hà Nội, còn ứng dụng BusMap được phát triển như một ứng dụng giao thông công cộng có khả năng mở rộng cao, có thể tùy chỉnh theo yêu cầu và đặc thù cho mọi khu vực và áp dụng cho nhiều loại phương tiện, không chỉ dành riêng cho xe buýt.

BusMap cũng có tính năng tương tự như Google Map hay các công ty công nghệ bản đồ khác. Tuy nhiên, BusMap tập trung vào hỗ trợ người đi phương tiện giao thông công cộng, còn Google Map dành cho phương tiện cá nhân nhiều hơn.

Thực chất công nghệ bản đồ không phải quá mới mẻ trên thị trường, tuy nhiên việc sử dụng bản đồ của bên thứ 3 rất tốn kém. Ví dụ BusMap đang có 2 triệu người dùng, nếu sử dụng bản đồ của bên thứ 3 như Google Map thì mỗi tháng chúng tôi chi trả khoảng 1-1,5 tỷ đồng chi phí license. Do đó, khi sở hữu công nghệ bản đồ riêng, ta có thể tiếp tục bổ sung các tính năng và cá nhân hóa theo nhu cầu của người dùng mà không tốn nhiều chi phí.

* Anh từng tuyên bố ứng dụng BusMap đã và sẽ luôn miễn phí, vậy công ty kiếm tiền từ đâu?

Hồi tháng 3/2019, thời điểm quyết định biến BusMap thành một công ty khởi nghiệp, tôi cùng những đồng đội của mình bắt đầu xây dựng lại mô hình kinh doanh để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư.

Lúc đó, tôi cũng thử nghiệm khá nhiều mô hình kinh doanh, ban đầu là B2C, tận dụng lượng người dùng lớn của ứng dụng BusMap trong dịch vụ giao thông công cộng để tạo ra doanh thu. Khi đi thi, ý tưởng này được nhận xét tốt và có giải, tuy nhiên lúc gặp các nhà đầu tư, họ không tin là mô hình B2C sẽ hoạt động hiệu quả, vì người dùng ứng dụng BusMap trong lĩnh vực giao thông công cộng không phải người có thu nhập cao. Do đó, chúng tôi quyết định chuyển đổi sang hướng B2B, tận dụng lợi thế công nghệ lõi về bản đồ, định vị của mình tích hợp với công nghệ AI, IoT… để cung cấp giải pháp giao thông thông minh toàn diện cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực di chuyển thông minh.

Đồng thời, việc định hướng là một doanh nghiệp xã hội sẽ gặp khó khăn trong việc gọi vốn, khó có đủ tiềm lực tài chính để phát triển một cách bùng nổ và cũng không thể niêm yết trên sàn chứng khoán. Tôi nghĩ, mình có thể không đi theo mô hình doanh nghiệp xã hội như tư duy ban đầu, cũng không cần tuyên bố quá nhiều, mà dùng hành động để thể hiện trách nhiệm và đóng góp với xã hội. Cụ thể ở đây là việc tiếp tục duy trì miễn phí ứng dụng BusMap trong lĩnh vực giao thông công cộng; đồng thời sử dụng các công nghệ lõi mà BusMap đang sở hữu để xây dựng và phát triển các giải pháp công nghệ về giao thông thông minh cho các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo nên doanh thu để tiếp tục tái đầu tư và phát triển mở rộng các giải pháp công nghệ có ích cho đời sống, cũng như có điều kiện tài chính để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng xã hội.


ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ

* Cơ duyên nào dẫn đến "màn" hợp tác giữa một Tập đoàn lớn như Phenikaa và Anh?

Hồi tháng 2/2020, tôi đưa ứng dụng BusMap tham gia cuộc thi Việt Startup Contest tại Nhật Bản và giành được giải Nhất. Trong cuộc thi đó, có một giám khảo là anh Lê Anh Sơn tỏ ra rất hứng thú với ứng dụng.

Một thời gian sau, anh Sơn trở về Việt Nam và giữ chức Viện Phó Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa. Rất tình cờ, Tập đoàn cũng đang muốn tìm kiếm những startup hoạt động trong lĩnh vực thành phố thông minh nên anh đã giới thiệu chúng tôi với Chủ tịch Hồ Xuân Năng. Sau vài lần gặp gỡ, tôi nhận thấy mục tiêu và khát vọng phát triển của Tập đoàn Phenikaa rất lớn và đang từng bước chuyển dịch thành một Tập đoàn công nghiệp – công nghệ. Tôi cũng nhìn thấy tiềm năng BusMap có thể trở thành một mảnh ghép phù hợp trong hệ sinh thái của Tập đoàn, cũng như sự đồng điệu giữa Phenikaa và BusMap - đó là mục tiêu phát triển bền vững và dài hạn.

Thời điểm ấy, một số nhà đầu tư khác cũng đang quan tâm đến chúng tôi. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, nếu đi cùng Phenikaa, chúng tôi không chỉ nhận được sự đầu tư về tài chính, mà còn có thể nhận được nhiều lợi ích giá trị khác từ một Tập đoàn chuyên nghiệp có quy mô hoạt động lớn trong nhiều lĩnh vực với phạm vi tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Quá trình trao đổi, thảo luận và ký hợp tác đầu tư chỉ diễn ra vỏn vẹn sau 3 lần gặp mặt. Giá trị thương vụ là 1,5 triệu USD, đồng thời công ty chính thức đổi tên thành Phenikaa MaaS và trở thành một thành viên trong Tập đoàn Phenikaa.

* Ngoài vấn đề tài chính, anh kỳ vọng gì khi nhận đầu tư và trở thành một thành viên của Tập đoàn Phenikaa?

Sau khi nhận vốn, với sự đầu tư và bảo trợ của Tập đoàn Phenikaa về con người, hệ thống và công nghệ, công ty chúng tôi từng bước tái cấu trúc, mở rộng sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng phát triển kinh doanh. Công ty sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng nhóm B2B và B2G nhiều hơn, đồng thời tập trung phát triển công nghệ lõi và nhân sự.

Trước đây, khi chưa có tiền đầu tư thì công ty phải đi rất từ từ và cầm chừng, còn bây giờ có thể tăng tốc nhanh hơn. Các sản phẩm của Phenikaa MaaS có một đặc điểm chung là công nghệ đều do công ty tự phát triển, kể cả hệ thống làm việc nội bộ, hoàn toàn không sử dụng dịch vụ của bên thứ ba và đảm bảo về mặt bảo mật.

Các công nghệ bản đồ, định vị hay phần cứng mà công ty cung cấp trong các giải pháp của mình cũng do chúng tôi tự phát triển và nghiên cứu ra. Việc làm chủ 100% về mặt công nghệ giúp công ty có thể đi nhanh hơn, hiệu quả hơn và không phụ thuộc vào bên ngoài.

Mặt khác, như tôi đã chia sẻ, Phenikaa là một tập đoàn lớn có quy mô hoạt động lớn trong nhiều lĩnh vực và kinh nghiệm kinh doanh tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế, có quy trình vận hành, quản trị bài bản – đó là điều mà một công ty khởi nghiệp như chúng tôi còn thiếu. Tôi mong muốn có thể học hỏi và vận dụng cho Phenikaa MaaS để công ty phát triển nhanh và bền vững hơn.

CEO BusMap: Bỏ việc ở Google về Việt Nam startup, được Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD chỉ sau 3 lần gặp, xây bản đồ Covid-19 miễn phí cho Đà Nẵng & Hải Dương  - Ảnh 3.

* Anh vẫn giữ quyền quyết định với công ty của mình chứ?

Trở thành một thành viên của Tập đoàn, là một miếng ghép trong hệ sinh thái của Tập đoàn Phenikaa, Phenikaa MaaS kết nối sức mạnh trong sự liên kết chặt chẽ với các thành viên của Tập đoàn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển chuyên biệt. Và tôi được trao quyền để tiếp tục chủ động quyết định những vấn đề của công ty.


THAM VỌNG TRỞ THÀNH CÔNG TY HÀNG ĐẦU VỀ GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ DÀNH CHO GIAO THÔNG

* Hiện tại Phenikaa MaaS cung cấp những sản phẩm nào cho đối tác, thưa anh?

Một trong những mảng mà chúng tôi đã phát triển, đó là quản lý xe buýt cho trường học (School Bus). Từ năm ngoái, công ty đã triển khai cho 4 trường quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, Phenikaa MaaS cũng chuẩn bị đưa giải pháp School Bus cho đối tác tại Trung Đông. Ở Trung Đông, thời tiết nóng nên nhu cầu đi lại bằng xe buýt rất lớn, một trường có khoảng 80-90% lượng học sinh đi lại bằng xe buýt.

Một điều đặc biệt đó là đối tác nước ngoài này biết đến Phenikaa MaaS chính nhờ ứng dụng BusMap, vì họ tìm kiếm và nhận thấy ứng dụng có nhiều người dùng tại Việt Nam. May mắn là lúc đó tôi đã hoàn thiện công nghệ cho giải pháp School Bus. Đó cũng là lý do cho thấy việc duy trì ứng dụng BusMap quan trọng thế nào.

Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung vào phát triển các giải pháp thành phố thông minh, chia làm 2 mảng là B2B (cho doanh nghiệp) và B2G (cho cơ quan nhà nước). Đối với B2B, Phenikaa MaaS đã có những khách hàng lớn như VinBus, Grab cùng một số doanh nghiệp tại Cảng Đà Nẵng, còn mảng B2G có Tp. HCM và Đà Nẵng.

* Ngoài BusMap, công ty có những ứng dụng nào khác đóng góp cho cộng đồng không?

Hồi năm 2020, chúng tôi đã triển khai ứng dụng CovidMap cho một số địa phương có dịch Covid-19. Trước đó, công ty từng cung cấp giải pháp quản lý xe, trong khuôn khổ phát triển thành phố thông minh cho Đà Nẵng. Đến tháng 10/2020, thành phố này đối mặt với làn sóng Covid-19 khá nghiêm trọng và cần một giải pháp quản lý dịch tễ.

Vì đã làm việc với nhau từ trước nên lãnh đạo thành phố biết đến chúng tôi và ngỏ lời hỏi xem Phenikaa MaaS có thể xây dựng một bản đồ dịch tễ hỗ trợ Đà Nẵng không.

Vậy là chúng tôi cùng các lãnh đạo tại Sở Giao thông Thành phố nhanh chóng thảo luận và làm việc với nhau. Mọi thứ diễn ra rất gấp rút, chỉ trong vòng 1 tuấn, chúng tôi đã xây dựng xong bản đồ CovidMap, giúp người dân tra cứu thông tin, các điểm đến có nguy cơ cao,…

Cuối năm 2020 - đầu năm 2021, công ty tiếp tục triển khai cho Hải Dương khi địa phương này cũng trở thành ổ dịch mới. Sau đó, một vài tỉnh thành khác cũng biết đến và muốn triển khai bản ứng dụng CovidMap. Tập đoàn Phenikaa và Phenikaa MaaS đã quyết định tài trợ miễn phí bản đồ cho các địa phương đó.

Cũng nhờ sở hữu công nghệ bản đồ riêng nên khi Phenikaa triển khai CovidMap, các tỉnh không phải lo ngại về việc mất thêm chi phí khi lượng người dùng gia tăng.

CEO BusMap: Bỏ việc ở Google về Việt Nam startup, được Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD chỉ sau 3 lần gặp, xây bản đồ Covid-19 miễn phí cho Đà Nẵng & Hải Dương  - Ảnh 5.

* Mục tiêu của Phenikaa MaaS trong thời gian tới là gì, thưa anh?

Mục tiêu ngắn hạn của công ty trong 2021 và 2022 là ra mắt thị trường những sản phẩm như trường học thông minh, doanh nghiệp thông minh, liên quan đến công nghệ bản đồ và giải pháp giao thông.

Về dài hạn, Phenikaa MaaS định hướng trở thành một doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh cho cả thị trường Việt Nam và nước ngoài.

Một trong những điều quan trọng tiếp theo mà tôi luôn mong muốn từ khi làm việc tại Google, đó là tạo ra văn hoá doanh nghiệp tốt tương tự như ông lớn này, bắt đầu từ văn hoá làm việc.

Hiện tại, sau khi gia nhập Tập đoàn Phenikaa, tôi được tiếp cận và hòa nhập với văn hóa của Phenikaa – văn hoá doanh nghiệp có ý thức, luôn nỗ lực và sẵn sàng cống hiến với những nét đặc trưng mà tôi vẫn luôn tìm kiếm và mong muốn tạo dựng cho startup của mình, một văn hóa làm việc mà trong môi trường đó, mọi nhân viên luôn luôn làm việc hết mình với tinh thần khởi nghiệp, đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng đón nhận thách thức. Họ làm việc tại Phenikaa MaaS nói riêng và Tập đoàn Phenikaa nói chung không phải vì môi trường lương cao, mà vì mỗi người đều được tiếp sức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bản thân, đồng thời được đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Ví dụ, với những sản phẩm như BusMap, CovidMap, chúng tôi đều tự hào rằng sản phẩm của mình đang đóng góp cho xã hội. Và tôi mong muốn rằng, mỗi nhân sự tại đây đều tự phát triển bản thân để có thể trở thành người lãnh đạo trong tương lai.

Cảm ơn anh đã về cuộc trò chuyện!

Hoàng Thuỳ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.63385809022601202-gnoud-iah-gnan-ad-ohc-ihp-neim-91-divoc-od-nab-yax-pag-nal-3-uas-ihc-dsu-ueirt-51-ut-uad-aakinehp-coud-putrats-man-teiv-ev-elgoog-o-ceiv-ob-pamsub-oec/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“CEO BusMap: Bỏ việc ở Google về Việt Nam startup, được Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD chỉ sau 3 lần gặp, xây bản đồ Covid”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools