Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản 5 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm cá biển chiếm 75%, cá ngừ chiếm 22%, cá các loại khác chiếm 53%. Các sản phẩm nhuyễn thể chiếm 20%, còn loại là cua ghẹ và giáp xác khác.
So với cùng kỳ, xuất khẩu các nhóm sản phẩm hải sản của Việt Nam đều tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm các sản phẩm mực, bạch tuộc đạt 216 triệu USD, tăng 13%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 48 triệu USD tăng 44%.
Về cơ cấu, trong 5 tháng qua, các mặt hàng nhuyễn thể chế biến, như: mực khô/nướng, mực chế biến khác, các sản phẩm hai mảnh vỏ chế biến… là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, ngoại trừ cá ngừ, 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất hải sản khác của Việt Nam gồm: CPTPP chiếm 26%, Hàn Quốc chiếm 11%, Mỹ chiếm 8%, Trung Quốc chiếm 7% và EU chiếm 5%.
So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu hải sản khác của Việt Nam sang 5 thị trường trên đều tăng so với cùng kỳ, CPTPP tăng 7%, Hàn Quốc tăng 6%, Mỹ tăng 55%, Trung Quốc tăng 2% và EU tăng 31%.
Trong khối thị trường CPTPP, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường đơn lẻ nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng giá trị xuất khẩu hải sản khác của Việt Nam, đạt 298 triệu USD. So với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng nhẹ ở mức 1%.
Tại phân khúc thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc, Nhật Bản cũng đang là thị trường đơn lẻ lớn thứ 2. Tuy nhiên so với cùng kỳ, xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu của Việt Nam sang đây giảm 9%.
Hàn Quốc, thị trường đơn lẻ đứng thứ 2 về nhập khẩu hải sản khác và lớn nhất về nhập khẩu mực bạch tuộc, tiếp tục có sự tăng trưởng trong tháng 5. Giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 157 triệu USD, trong đó gần 89 triệu USD từ xuất khẩu mực, bạch tuộc. Dù xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại.
Mỹ với giá trị nhập khẩu hải sản từ Việt Nam đạt hơn 113 triệu USD, đang đứng ngay sau Hàn Quốc trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Việc tiêm chủng mở rộng vaccine phòng chống COVID-19 và gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ đang là động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản phục hồi không chỉ ở phân khúc dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, mà cả ở phân khúc bán lẻ. Điều này đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hải sản của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
VTV.vn - Theo Cục Xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 13% về lượng và trên 12% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81845818022601202-am-ihp-gnat-ym-gnas-cout-hcab-cum-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv