Miyuki Kobayashi dưới góc máy của Ngô Đức Phát - Ảnh: NVCC
Cô gái, bằng những ngón tay phải không toàn vẹn, đang giơ lên che ánh mặt trời. Cánh tay trái thiếu phần từ khuỷu tay xuống cẳng tay, ẩn dưới lớp váy hoa màu lam. Năm 2019, cô gái ấy là thủ khoa đầu vào của ngành sư phạm mỹ thuật Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
"Cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi suốt 9 năm qua. Cảm ơn những người đã dạy tôi sống phải ngẩng cao đầu, sống cuộc đời của mình thật đẹp.
Miyuki Kobayashi
Cô "lính chì" can đảm
Miyuki Kobayashi có mẹ là người Việt, bố người Nhật Bản. Sinh ra ở thành phố Yokohama, năm lên 4 cô cùng gia đình sang Việt Nam sống.
"Cha mẹ ly thân khi tôi còn rất nhỏ. Năm lớp 9, họ chính thức ly dị. Ba tôi trở về Nhật. Tôi ở lại Việt Nam sống cùng mẹ và em gái", cô gái 20 tuổi mở đầu câu chuyện. Lúc mang thai Miyuki, khi siêu âm mẹ vẫn thấy cô phát triển bình thường như bao trẻ khác.
"Đến lúc sinh tôi ra, mẹ mới ngỡ ngàng. Do di chứng của chất độc màu da cam, chân tôi bị cong, dị dạng, các ngón tay, chân của tôi dính lại với nhau. Gia đình bên nội cũng có nhiều đứa trẻ bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam như tôi", Miyuki tâm sự.
Để trở thành cô gái luôn tươi cười như hôm nay, Miyuki đã đi qua hành trình dài. Lúc bé, ba món đồ cô nhất định phải có là quần dài, áo tay dài và "nhất định không thể thiếu áo khoác".
"Mỗi lần nhắc về tôi, chắc mọi người sẽ nhớ cô bé dù mưa gió hay trời nóng như đổ lửa cũng không bao giờ bỏ áo khoác ra", cô cười. Với Miyuki, bộ quần áo giúp cô thoát khỏi những ánh mắt dò xét, đánh giá, và che chắn "những thứ xấu xí trên cơ thể này", theo cách mà cô từng nghĩ. Cô u uất, có ít bạn bè, chỉ cần chạm mắt người lạ cũng sợ sẽ bị phán xét.
"Những năm tháng đó tôi rất ghét bản thân mình. Tôi luôn thắc mắc tại sao lại sinh ra với nhiều khiếm khuyết đến thế. Một trăm câu hỏi tại sao mà tôi không có cách nào giải đáp được, và tôi cứ ở trong những suy nghĩ tiêu cực ấy", cô nhớ lại.
Tên tiếng Việt của Miyuki là Tiểu Lâm Mỹ Tuyết. Năm mang thai cô, đó là lần đầu tiên mẹ Miyuki thấy tuyết. Bà mong con gái mình cũng giống như bông hoa giọt tuyết, vẫn kiên cường nở giữa mùa đông. Năm lớp 11, Miyuki tham gia câu lạc bộ tiếng Nhật ở trường cấp III.
Nhận được sự yêu thương từ mọi người, cô biết cười, chịu nói nhiều hơn. Một ngày, Miyuki quyết định cởi bỏ chiếc áo khoác.
"Mọi người bảo tôi làm tốt lắm. Tôi nhận ra đâu đó vẫn có những ánh mắt yêu thương dành cho mình, những lời động viên từ mọi người. Đâu đó vẫn còn tình yêu", cô kể.
Thử thách bản thân
Rồi, cô lại quyết định thử thách bản thân khi theo đuổi ước mơ của mình: mỹ thuật. "Tôi luôn tự ti về đôi bàn tay này, về khả năng của bản thân. Liệu tôi có làm được không?", Miyuki tự hỏi mình. Cô sợ mình không làm được.
"Nếu bây giờ từ bỏ, chắc sau này tôi hối hận lắm. Thế là tôi bắt tay vào học, luyện thi, vẽ nhiều hơn. Tôi đi từ sáng đến tối mịt mù rồi về vẫn tiếp tục học", cô nói. Bông hoa giọt tuyết năm ấy muốn chứng minh rằng cô cũng như mọi người.
"Đậu thủ khoa là mục tiêu của tôi ngay từ đầu. Tôi làm được và sẽ hoàn thành một cách trọn vẹn. Tôi đặt ra thử thách bản thân như thế để đẩy giới hạn của mình lên hết mức có thể", cô nói. Rồi, cô bé với đôi tay khiếm khuyết đã làm được, đã biến điều mình tự ti thành điều cô tự tin nhất.
Năm 2019, Miyuki trở thành thủ khoa đầu vào của ngành sư phạm mỹ thuật, nơi cô muốn được học đa chất liệu, trải nghiệm khắc gỗ, in tranh, sơn dầu, sơn mài, điêu khắc..., từ đó chọn ra thứ phù hợp nhất với mình sau này.
Thời gian trôi đi cũng là lúc Miyuki học cách chấp nhận bản thân, yêu thương những khiếm khuyết. Cô không còn che chắn khi ra đường, khi chụp ảnh.
"Tôi học được cách thắt dây giày, buộc tóc. Cái "cục tròn tròn" sẽ giữ nút thắt cho tôi. Cái tay này còn dùng để truyền may mắn cho mọi người nữa, mọi người thích nựng tay tôi lắm", Miyuki dí dỏm.
Hiện nay ngoài thời gian học, cô dạy thêm tiếng Nhật, chơi đàn guitar và tự thêu các trang phục của mình khi rảnh rỗi.
"Tôi mong câu chuyện của mình có thể giúp mọi người chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân, tự tin vươn lên. Hãy tin rằng mình là một phép mầu, mình có thể làm được mọi thứ như mọi người, nhiều khi là hơn thế nữa", Miyuki trải lòng.
Ngô Đức Phát, người chụp bộ ảnh về Miyuki, nói rằng cô luôn mang đến cho người khác cảm giác vô cùng thoải mái và dễ chịu khi trò chuyện. Phát gặp Miyuki khi cô là sinh viên năm nhất.
Miyuki đứng chờ thang máy, mặc chiếc áo dài với một bên tay áo buộc thành nút thắt. Điều đó khiến Phát chú ý và nhận ra điểm khác biệt ở đôi tay Miyuki.
"Miyuki là chỗ dựa về tinh thần nhỏ bé nhưng vững chắc của tôi. Khi chụp bộ ảnh, tôi được thấy Miyuki với 1.000% năng lượng. Cô bé hồn nhiên, vô tư, luôn tỏa ra sự ấm áp. Miyuki có nghị lực phi thường, luôn biết cách xoa dịu nỗi đau của mình và mạnh mẽ hơn sau mọi vấp ngã. Điều đó khiến năng lượng trong Miyuki không bị dập tắt", Phát chia sẻ.
Bén duyên với nhiếp ảnh từ năm cấp III, Đức Phát xem hành trình của mình như một chuyến xe.
Nơi đó, chàng trai 21 tuổi gặp rất nhiều hành khách, với những câu chuyện, màu sắc khác nhau. Anh cố gắng bắt trọn cảm xúc của họ, hi vọng mỗi khi nhìn lại bức ảnh, anh thấy họ như "tan" vào trong sắc màu, trong không gian ấy.
"Đó có thể là những người thuộc cộng đồng LGBT, những người mắc khuyết điểm về tóc hoặc da. Dù đôi khi môi trường xung quanh quá khắc nghiệt để họ có thể bộc lộ bản thân, hay họ trông thật khác biệt với mọi người, họ vẫn đã và đang bước tiếp.
Tôi cổ vũ và tin rằng khi rời khỏi vùng an toàn, bạn sẽ làm được những điều mình tưởng không thể, và tìm được hạnh phúc cho bản thân", Phát trải lòng.
TTO - Những cô gái đã hi sinh hết sức mình, không bỏ cuộc khi thi đấu cho màu cờ sắc áo VN. Giấc mơ là có thật đối với những cô gái tuyệt vời này.
Xem thêm: mth.59273850212601202-gnouc-neik-teyut-toig-aoh-aod-ikuyim/nv.ertiout