Hàng trăm dự án trang trại tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk mọc lên như nấm sau mưa, đồng loạt thời gian ngắn, nhưng thực tế chỉ để sản xuất điện mặt trời. Hàng loạt sai phạm chưa bị phát lộ...
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh 431 công trình điện mặt trời lắp trên mái các dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, điện đã được sản xuất, bán, nhưng hiện có tới 302 công trình chưa triển khai hoạt động kinh tế trang trại. Trong số này cũng còn tới 9 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trả lời báo Lao Động, bà Trần Thị Khánh Mai, Giám đốc Công ty TNHH năng lượng xanh Nhật Gia Thịnh và Công ty TNHH MTV năng lượng xanh Mai Gia Thịnh, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: "Doanh nghiệp của chúng tôi đầu tư 2 MWp trên diện tích trang trại tổng hợp".
Hiện trạng công trình... thứ yếu là sản xuất điện đã được đấu nối và bán cho EVN với giá ưu đãi từ tháng 11.2020, nhưng đến nay bên dưới hệ thống điện mặt trời mái nhà tại thôn Ialok, xã IaMnông, huyện Chư Păh này vẫn toàn đất trống và chưa có một dấu hiệu nào của hoạt động kinh tế trang trại tổng hợp như cam kết ban đầu của nhà đầu tư.
Tương tự, tại Đắk Lắk hiện có hơn 360 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà nhưng thực tế chỉ thấy sản xuất điện mặt trời.
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2021, có 193 trang trại đã đấu nối với hệ thống điện, số còn lại đã có thỏa thuận đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Lắk. Trong đó, riêng TP.Buôn Ma Thuột, có 4 trang trại trong tình trạng "chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại" chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin điện mặt trời.
Tại huyện Cư Kuin, trong số 20 trang trại lắp đặt điện mặt trời (16 trồng trọt, 3 chăn nuôi và 1 hỗn hợp) thì chỉ có 4 dự án được xác nhận là trang trại, 1 trang trại không đủ tiêu chí, 15 trang trại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện trang trại...
Đáng chú ý, huyện Buôn Đôn có 29 trang trại (21 trang trại trồng trọt, 4 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại hỗn hợp). Trong đó, 8 trang trại đã làm thủ tục xác nhận trang trại, 21 trang trại mới có chủ trương của UBND huyện cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp khác.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 4 trang trại chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt vẫn đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu thi công điện mặt trời) nhưng đều được đấu nối với điện lực.
Theo luật sư Anh Phiệt - Văn phòng Luật sư Phiệt và cộng sự - Đoàn LS TP.Đà Nẵng, những dự án sản xuất điện tái tạo từ năng lượng mặt trời "núp bóng" trang trại như vậy có nhiều dấu hiệu sai phạm pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải kiểm tra, xử lý để tránh việc lợi dụng chính sách nhà nước, vi phạm pháp luật, xâm hại tài nguyên đất đai.
Theo Luật sư Anh Phiệt, cần làm rõ các dự án đó có đúng với quy hoạch tổng thể không? Có nằm trong quy hoạch sản xuất điện của địa phương? Về đất đai, nếu là đất nông trại thì phải thực hiện đúng dự án ban đầu.
Trường hợp lập dự án trang trại, nhưng không trồng trọt, chăn nuôi mà chỉ sản xuất điện mặt trời là trái luật. Cần xem xét các loại đất đó đã làm đủ các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã nộp thuế đủ cho nhà nước hay không?... Muốn phát hiện những sai phạm đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương phải vào cuộc.