Sáng 22-6, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trả lời báo chí xung quanh động thái mới nhất của TP Hà Nội là cho phép mở cửa lại một số dịch vụ.
Cụ thể, sau khi xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Hà Nội, UBND TP đã ra văn bản cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0h ngày 22-6.
“Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng. Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác”.-Ông Dũng nói
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Ông Dũng cũng cho hay đợt bùng phát dịch thứ 4 (từ 29-4) tại Hà Nội đến nay vẫn đang diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, TP đã làm mọi biện pháp để kiểm soát dịch, nhưng không tiến hành cực đoan để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo duy trì sản xuất.
Đến nay, Hà Nội đã khống chế, kiểm soát 16 chùm ca bệnh, 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ.
Cạnh đó, đến nay đã 1 tuần Hà Nội chưa phát sinh ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Về kinh tế, 6 tháng đầu năm tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bí thư Hà Nội, để đạt được kết quả trên là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng của người dân và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Các quán ăn sáng trong nhà tại Hà Nội được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 22-6
“Càng trân trọng những đóng góp, hy sinh cho công tác phòng, chống dịch của các lực lượng và nhân dân bao nhiêu, chúng ta càng phải nỗ lực cao hơn nữa để giữ vững thành quả đã đạt được” - Bí thư Hà Nội nói.
Theo đó ông khẳng định, TP tiếp tục coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tuyệt đối không được thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Hiện Hà Nội mới bước đầu kiểm soát được dịch, tình hình dịch tại các tỉnh xung quanh vẫn hết sức phức tạp. Nguy cơ lây nhiễm của Hà Nội còn rất cao.
“Cấp ủy các cấp từ thành phố xuống cơ sở, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này” - ông nói.
Ông cũng đề nghị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại cần chủ động, tự giác thực hiện nghiêm, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phương châm “5K”; có trách nhiệm giám sát, tuyên truyền để mọi nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Các cơ sở dịch vụ chưa được mở cửa trở lại hoặc chỉ được bán hàng mang về tiếp tục xác định việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân, gia đình mình.
Bí thư Hà Nội cũng kêu gọi nhân dân thành phố tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương, chính sách, quy định của thành phố; phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh những lợi ích trước mắt, của bản thân vì mục tiêu chung, vì an toàn cho mình, gia đình mình và cả xã hội. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là biểu hiện của bản chất văn hiến, anh hùng rất đáng tự hào của Thăng Long - Hà Nội.
Bí thư Hà Nội cho biết tới đây Hà Nội có hơn 101.000 thí sinh tham gia kỳ thi PTTH, do vậy nhiệm vụ sắp tới của TP phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi này. TP sẽ kích hoạt lại 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, tham gia vào công tác tổ chức; tăng cường kiểm tra, giám sát; quán xuyến mọi việc và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về hiệu quả tổ chức kỳ thi tại điểm thi trên địa bàn được phân công. “Các cấp, các ngành phải phải xây dựng kịch bản tổng thể và kịch bản chi tiết đối với từng điểm thi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 cả bên trong và bên ngoài; tổ chức diễn tập các tình huống, xử lý nhanh, thành thạo khi phát hiện ca dương tính, ca nghi nhiễm với Covid-19, thí sinh có biểu hiện ho, sốt…” - ông lưu ý đồng thời để nghị các điểm thi chuẩn bị nhân lực, vật lực để đảm bảo các điều kiện thi an toàn cho các thí sinh. |