Thầy cô ở trường tận tình dạy dỗ các em học hành, nhất là các em có hoàn cảnh thua thiệt bạn bè - Ảnh: CHÍ CÔNG
Lời kể của bà Lê Thị Sáu khiến người nghe đang vui cũng chợt ngậm ngùi vì em Nguyễn Thị Kiều Tiên (lớp 4A Trường tiểu học Trần Quang Diệu, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, Hậu Giang) không chỉ là học sinh nghèo hiếu học mà còn có số phận bất hạnh khi sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Học trò bất hạnh
Trong lúc Kiều Tiên đau buồn nhất và đối mặt với việc gãy gánh giấc mơ đến trường thì em được thầy Trần Quốc Khiêm, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Diệu, nhận đỡ đầu như là người cha ruột thịt.
Khi chuông tan trường reo vang cũng là lúc bà Sáu lui cui cất vội mấy bao bánh kẹo treo bán trước hiên nhà rồi ngồi bệt xuống chiếc bàn gỗ nhỏ.
Lúc này cũng gần 5 giờ chiều. Bà tâm sự năm 2017 ông Nguyễn Minh Cảnh Em, cha của Kiều Tiên, chẳng may bị bệnh mất sớm. Một mình người vợ Lê Thị Bích phải gồng gánh, bươn chải làm thêm kiếm tiền nuôi con ăn học.
Sớm mồ côi cha, bữa cơm của Kiều Tiên đã không còn "tròn hương vị gia đình" mà còn thiếu thốn hơn. Mẹ mần việc quần quật suốt ngày nên sức khỏe cũng bị bào mòn rồi kiệt sức dần. Năm 2019, bà Bích ngã quỵ vì mang trong mình căn bệnh ngặt nghèo.
Nỗi đau mất cha của Kiều Tiên chưa nguôi, giờ mẹ em lại mắc bệnh nặng. Nhà có gì quý giá bà Sáu đều cầm cố để đưa bà Bích đến bệnh viện lớn trên TP.HCM chữa trị. Nhưng mọi thứ đã quá muộn màng. Bệnh xâm nhập lên não, bác sĩ không mổ được nên bà không qua khỏi.
"Những hồi buồn nhớ mẹ, nhớ cha là Kiều Tiên học hơi lơi. Tui cũng an ủi cháu mình thôi số phần cha mẹ con đến đó còn con cần cố gắng học hành. Con còn có dì và cậu út, rồi bà ngoại nữa. Cỡ nào tui cũng cho cháu mình đến trường" - bà Sáu vừa kể vừa gạt nước mắt.
Ở góc nhỏ của Trường tiểu học Trần Quang Diệu, mỗi ngày bà Sáu bày biện bán một ít bánh kẹo cho các em học sinh ăn vặt. Mỗi gói bánh, mỗi cây kẹo được bán đi, bà lời khoảng 500 - 1.000 đồng.
Số tiền cỏn mọn này bà Sáu, giữ vai trò vừa làm dì vừa làm mẹ, lo cho cháu mình sớm mồ côi cha mẹ được cơm áo đến trường.
Dạ, thầy cô ở trường yêu thương con lắm, coi con như ruột thịt của mình. Cha mẹ không còn nữa, nhưng con sẽ càng chăm chỉ học để không phụ lòng thầy cô.
Em Nguyễn Thị Kiều Tiên
Hơn 5 năm qua, Trường tiểu học Trần Quang Diệu không còn em nào bỏ học vì nghèo - Ảnh: CHÍ CÔNG
Vừa làm thầy cô, vừa làm cha mẹ
Tâm sự về các học trò có hoàn cảnh đáng thương, thầy Khiêm kể ngoài trường hợp đặc biệt éo le của Kiều Tiên thì ở trường còn có hơn 30 em học sinh nghèo và cận nghèo trong năm học 2020 - 2021.
Gia đình khó khăn nên các em rất ngoan ngoãn, siêng năng. Đi học về đến nhà là các em đều phụ cha mẹ đi bắt ốc, bắt cua trang trải bữa ăn hằng ngày, thậm chí một số em còn đi bán vé số kiếm thêm thu nhập.
Thầy Khiêm và các thầy cô ở trường thương cảnh học trò mình quá khó khăn nên đã nhận đỡ đầu để nâng bước các em đến trường. Mỗi thầy cô nhận đỡ đầu ít nhất hai học trò. Họ làm những việc thầm lặng mà ý nghĩa như cha mẹ của học trò mình.
Ngoài việc lên lớp dạy học (từ thứ hai đến thứ sáu), thầy Khiêm cũng như thầy cô khác phải tranh thủ thời gian rảnh (thứ bảy, chủ nhật) đi vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để có học bổng, quần áo và một số dụng cụ học tập thiết yếu hỗ trợ cho các em.
"Chúng tôi làm suốt năm học và mỗi em nhận 10kg gạo/tháng. Dịp tết, chúng tôi cũng vận động nhà hảo tâm trao quà tết như quần áo, tập sách và học bổng từ 200.000 đến vài triệu đồng/em..." - thầy Khiêm chia sẻ về cách thức hỗ trợ của thầy cô dành cho các em học sinh nghèo đến trường.
Đặc biệt với các học trò vì hoàn cảnh mà học hành chưa được tốt, thầy cô cũng tranh thủ thời gian dạy dỗ thêm để các em không sa sút với bạn bè.
Gần thị tứ nhưng một số người dân ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh còn gặp khó khăn trong đời sống. Không có đất canh tác, họ đi làm cỏ mướn, giặm lúa thuê... và cố lắm chỉ kiếm được khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Nhưng những việc này cũng chỉ làm thời vụ nên hoàn cảnh họ cứ bấp bênh thiếu hụt bữa trước bữa sau.
Đó là lý do vì sao các thầy cô như cha mẹ nuôi, dang tay đỡ đần, cưu mang thêm học trò mình. Hằng tháng, thầy cô đều đến nhà các em một vài lần để hiểu tình hình, động viên tinh thần.
Một mặt, thầy cô đi để biết đời sống gia đình các em như thế nào. Mặt khác, các em có thiếu thốn gì thầy cô đều sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng mình.
"Việc nhỏ thôi nhưng giúp tình cảm thầy trò càng thêm khắng khít. Và mình thường xuyên tới lui, thăm nom thì các em cũng thêm ấm áp niềm tin để phấn đấu học hành" - thầy Khiêm trải lòng.
Còn thầy Trương Thanh Thiện, giáo viên dạy lớp 4 Trường tiểu học Trần Quang Diệu, vui vẻ góp lời: "Có lúc nguồn vận động không có thì mình xuất tiền lương ra cho thêm học trò. Có nhiêu mình cho nhiêu và mình giúp được gì cho các em thì giúp.
Còn hoàn cảnh khó khăn đặc biệt thì thầy cô ở trường cùng hỗ trợ lẫn nhau để giúp các em. Miễn sao học trò mình không phải bỏ trường lớp".
Không chỉ giáo dục con chữ và sẻ chia đời sống, thầy cô nhà trường còn chú ý giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em biết cái đúng cái sai để hoàn thiện bản thân sau này.
Đặc biệt, việc này càng ý nghĩa với học trò mồ côi, thiếu vắng sự dạy dỗ của cha mẹ hoặc gia cảnh các em khó khăn, cha mẹ phải bận bịu kiếm sống sớm hôm.
Nỗ lực vượt khó, cố gắng học hành của Kiều Tiên và các bạn học sinh nghèo ở trường cũng chính là món quà ý nghĩa nhất để thầy cô càng tận tâm mang lại điều tốt đẹp cho các em. "Vì tương lai các em, tôi và thầy cô ở trường luôn cố gắng hết lòng.
Thầy cô âm thầm làm cha làm mẹ để các em thêm ấm áp cuộc sống mà mai này nên người tử tế là tụi tôi vui lắm rồi" - thầy Khiêm nói.
Hơn 5 năm liền không em nào bỏ học vì nghèo
Là một trong 14 trường nghèo ở địa phương, có khi các em đến trường còn bận áo quần phai màu, sờn rách. Nhưng hơn 5 năm qua, nghĩa cử đỡ đầu trò nghèo của thầy cô ở Trường tiểu học Trần Quang Diệu đã giúp thay đổi tình hình và lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.
"Trước đây, các em nghèo bỏ học liên tục, mỗi năm ít nhất có vài ba em bỏ học. Nhưng sau khi thầy cô nhận đỡ đầu, các em không bỏ trường lớp vì nghèo nữa mà cố gắng học tập hơn. Em nào cũng lễ phép, chăm ngoan. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi và thầy cô ở trường" - thầy Khiêm tâm sự.
TTO - Thông tin từ Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An cho thấy đến nay chưa có chủ trương thu hồi nào đối với phần đất đã được cấp cho Trường THPT Kiến Tường.
Xem thêm: mth.17083233212601202-nehgn-em-ohn-od-ohc-uas-id-mo-noc/nv.ertiout