Trong sáng 22-6, các sạp kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM đã ngưng hoạt động để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Có mặt tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình), phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận rất nhiều sạp kinh doanh áo quần tại chợ đã đóng cửa. Chỉ còn vài sạp hoạt động nhưng không bày biện hàng hóa như ngày thường.
Tiểu thương đóng gói sẵn hàng hóa và mang đi giao, không bán trực tiếp tại sạp
Chị Na (Tiểu thương chợ Tân Bình) chia sẻ: "Chị đóng cửa suốt, chỉ khi nào cần đóng gói hàng hóa để giao cho khách thì mới mở. Hàng giao xong là đóng cửa ngay. Chính quyền không cho bày biện, buôn bán rầm rộ như ngày thường nên lượng hàng bán ra không bao nhiêu. Chị phải đăng ký bán hàng trên trang thương mại điện tử, gửi hình mẫu hàng qua zalo, facebook cho khách chọn rồi giao hàng đến".
Theo ghi nhận của phóng viên, các sạp áo quần, vải vóc tại chợ Tân Bình chỉ mở hé cửa để nhân viên đóng hàng đi giao cho khách. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, không có tình trạng tập trung đông đúc.
Lực lượng bảo vệ, dân phòng liên tục đi nhắc nhở các hộ kinh doanh trong chợ khi có dấu hiệu tập trung đông, người bán và người mua không bảo đảm khoảng cách an toàn.
Một cửa hàng bán sĩ quần áo ở gần chợ Tân Bình, chỉ mở hé cửa để nhân viên ra vào giao hàng.
Một sạp hàng đóng cửa, treo bảng hướng dẫn mua hàng trước cửa
Chị Vĩnh (tiểu thương chợ Tân Bình) cho biết: "Đóng cửa nghỉ bán thì ảnh hưởng nhiều lắm nhưng quy định phòng dịch nên mình phải tuân theo để bảo đảm an toàn cho mọi người. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, buôn bán ế ẩm lắm, tôi vẫn cố mở cửa để bán được chừng nào hay chừng đó. Giờ cấm luôn thì mất đi lượng khách mua tại chỗ. Chỉ còn bán cho mấy mối khách sỉ. Ai đặt hàng thì mình đóng gói rồi gửi shipper giao cho khách".
Chị Vĩnh đóng cửa sạp sau khi đã giao xong hàng cho khách
Ngay bên cạnh sạp hàng của chị Vĩnh cũng là một sạp hàng kinh doanh mặt hàng áo quần. Thời điểm phóng viên có mặt tại chợ, sạp hàng này đã đóng cửa. Bên ngoài cửa hàng này có bảng thông báo để lại số điện thoại để khách hàng liên hệ khi cần lấy hàng và nhấn mạnh "5 phút có mặt".
Tiểu thương để lại số điện thoại để khách liên hệ khi cần lấy hàng, không mở bán xuyên suốt như trước đây
Tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, các sạp hàng thực phẩm, lương thực vẫn hoạt động bình thường. Các sạp hàng khác thì đồng loạt đóng cửa. Bảo vệ tại chợ túc trực thường xuyên để đo thân nhiệt và nhắc nhở người dân rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ.
Bảo vệ đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ
Các sạp hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tại chợ Phạm Văn Hai đồng loạt đóng cửa
Chợ tự phát ngưng hoạt động, Ban quản lý yêu cầu người dân mua hàng tại khu vực của chợ
Tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Thái Bình (quận 1), mọi ngỏ ra vào chợ đều có bàn và nhân viên trực kiểm soát người ra vào. Hầu hết người dân, khách hàng đều chấp hành nghiêm chỉnh quy định 5K của Bộ Y Tế.
Chợ Đo Đạc, phường Bình An, TP Thủ Đức còn tổ chức cho người vào chợ một chiều (vào đầu chợ và ra cuối chợ).
Việc di chuyển một chiều được công an, dân phòng kiểm soát khi chợ có nhiều người ra vào. Tuy nhiên, đến gần trưa thì không thấy lực lượng kiểm soát nên nhiều người không còn chấp hành di chuyển một chiều mà thành hai chiều.
Chợ Đo Đạc phân luồng cho khách ra vào chợ
Tuy vậy, vẫn còn một số chợ vẫn để khách vô ra chợ thoải, không có sự kiểm soát, không khai báo y tế, không đo thân thiệt, không rửa tay. Chẳng hạn tại chợ Bình Khánh (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức), khách di chuyển bằng xe máy vòng quanh chợ mà không có chốt nào nào kiểm soát. Đường vào phía sau chợ có đặt rào giữa đường và kéo dây ngang đường. Tuy nhiên, nhiều xe gắn máy vẫn di chuyển ra vào thoải mái mà không có người kiểm soát.
Xe máy thoải mái vào chợ Bình Khánh
Tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, mọi người vào chợ cũng không có bất cứ sự kiểm soát nào, kể cả xe máy vẫn chạy vào được.
Bên hông chợ, phía chợ Thị Nghè được cơ quan chức dọn dẹp không cho buôn bán như lúc trước. Tuy nhiên, bên hông chợ có nhiều "thụp thò" bán hàng.
Chợ Bà Điểm, huyện Hóc Môn đặt 4 rào chắn ở các lối ra vào hạn chế người dân đi vào chợ.
Bên trong nhà lồng chợ Bà Điểm, nhiều quầy hàng bán quần áo, giày dép đã đóng sạp.
Tuy nhiên bên ngoài lồng chợ, một số tiểu thương vẫn mở quầy bán đồ gia dụng
Còn tại chợ Đại Hải, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, người dân ra vào chợ đều được bảo vệ đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn nhưng nhiều quầy bán đồ khô, trang sức vẫn bán bình thường.
các quầy bán quần áo, giày dép vẫn mở bán nhưng rất vắng khách
Bên ngoài chợ Đại Hải, lối ra vào chợ cũng cơ hàng rào chắn hạn chế ra vào
Trước đó, Sở Công Thương TP HCM có văn bản hướng dẫn các chợ truyền thống tại TP HCM về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Ngưng kinh doanh các mặt hàng không phải lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm tại các chợ truyền thống
Theo đó, các khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải bảo đảm quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ được hoạt động nhưng tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ mà chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ngoài loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động.