vĐồng tin tức tài chính 365

Quảng Nam ‘làm mới’ các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư

2021-06-22 16:01

Quảng Nam ‘làm mới’ các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư

Nhân Tâm - Lộc Trần

(KTSG Online) – Một số địa phương của tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp để cải thiện tình hình thu hút đầu tư đang trong tình trạng hầu như đứng yên tại chỗ.

Hạ tầng chưa đồng bộ là nguyên nhân chính khiến các cụm công nghiệp tại Quảng Nam chưa thu hút nhiều dự án đầu tư đúng theo quy hoạch. Ảnh: Lộc Trần

Khó khăn thu hút đầu tư

Theo thống kê, Quảng Nam có khoảng 92 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 2.613 ha. Quyết định phê duyệt phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 các CCN trong quy hoạch đạt tỷ lệ lấp đầy 75%; giá trị sản xuất (so sánh với năm 2010) tại các CCN chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (tương ứng 30.000 tỉ đồng); lao động tại các CCN đến năm 2025 chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng số lao động của ngành công nghiệp đang làm việc tại địa phương (tương ứng 35.000 người).

Tuy nhiên, theo đánh giá của những người trong cuộc, hạ tầng, cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư đang là rào cản.

Sau 5 năm đưa vào khai thác, CCN Thanh Hà (thành phố Hội An) vẫn khá vắng vẻ. Với mục tiêu quy hoạch CCN Thanh Hà thành nơi bố trí các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tập trung, từ năm 2016, thành phố Hội An triển khai di dời 11 cơ sở sản xuất với khoảng 210 lao động vào cụm CCN này.

Tiếp đến, năm 2020, khoảng 29 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường được thành phố xây dựng kế hoạch di dời, nâng tỷ lệ lấp đầy CCN Thanh Hà lên khoảng 60% trong số tổng diện tích 30 ha.

Dù vậy, diện tích sử dụng thực tế tại CCN này khá thấp, rất nhiều khu đất bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên.

Theo ông Phạm Văn Điểu, Giám đốc Ban quản lý Dự án và quỹ đất thành phố Hội An, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả khai thác CCN Thanh Hà thấp có yếu tố từ việc hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, do mục tiêu ban đầu của CCN Thanh Hà là ưu tiên bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào hoạt động nên những năm qua việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào CCN hầu như không có, chưa kể quỹ đất CCN Thanh Hà ít nên khó thu hút doanh nghiệp lớn vào. “Hiện thành phố đã giao Ban quản lý Dự án và quỹ đất thành phố Hội An rà soát điều chỉnh quy hoạch CCN trình UBND thành phố xem xét để có giải pháp phù hợp trong thời gian đến”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, một số CCN có vị trí không thuận tiện, quy mô quá nhỏ, ngành nghề đầu tư chưa đa dạng, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng không lớn như cơ khí, gỗ, mộc…

Đơn cử, tại cụm làng nghề Đông Khương (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), quá trình khai thác hầu như không hiệu quả. Nguyên nhân do địa hình cụm làng nghề thấp trũng, doanh nghiệp vào đầu tư phải tốn nhiều chi phí để san lấp mặt bằng. Trong khi phần lớn nhà đầu tư vào cụm làng nghề chủ yếu cơ sở, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hạn chế về vốn…

Tương tự, tại huyện Đại Lộc, dù được đánh giá là điểm sáng trong thu hút đầu tư vào các CCN với tỷ lệ sử dụng đất đạt 91% nhưng cũng đối diện những khó khăn về quy hoạch như đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường, tình trạng chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện dự án…

Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, thừa nhận thời gian qua một số CCN ở Điện Bàn vẫn chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, kể cả chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định do việc huy động nguồn vốn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp vào đầu tư phải ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng (được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm), và đây vẫn là rào cản lớn đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư…

Cụm công nghiệp Thanh Hà, thành phố Hội An nhìn từ trên cao. Cụm Công nghiệp Thanh Hà và các cụm công nghiệp khác tại Quảng Nam sẽ "mặc áo mới" để thu hút đầu tư tốt hơn. Ảnh: Hoài Bão

Ông Hiếu chia sẻ thêm, thị xã đã xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng CCN từ đây đến năm 2023 với những mục tiêu cụ thể. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 30.030 tỉ đồng; cơ cấu ngành công nghiệp chiếm khoảng 43% trong cơ cấu kinh tế của toàn thị xã. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đến năm 2025 đạt 4.995 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Điểu cho biết ngoài điều chỉnh lại quy hoạch 1/500, thành phố Hội An sẽ đầu tư hạ tầng và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào CCN Thanh Hà nhằm tạo công ăn việc làm, tăng ngân sách thành phố.

“Khi quy hoạch CCN được điều chỉnh xong, chúng tôi sẽ tính toán thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Nhưng trước mắt sẽ phải hoàn hiện hạ tầng CCN”, ông Điểu nói.

Sẽ cần nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả các CCN, tuy nhiên nếu bài toán hạ tầng được giải quyết, sẽ giúp thu hút nhiều doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các CCN. Ông Trương Công Trái, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Đại Lộc, cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị hiện nay là tham mưu UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp tăng cường đầu tư hạ tầng, thu hút các dự án phát triển hạ tầng đô thị như Hà Nha, Hà Tân, Gia Cốc, Quảng Huế...

Theo các chuyên gia, điều cần làm là tích cực phối hợp với các ngành, địa phương, nhất là tỉnh có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt kiến nghị xin chủ trương nguồn vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng CCN như đường nội bộ, đường gom trong CCN, các công trình xử lý nước thải tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Xem thêm: lmth.ut-uad-tuh-uht-ed-peihgn-gnoc-muc-cac-iom-mal-man-gnauq/036713/nv.semitnogiaseht.coaid

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quảng Nam ‘làm mới’ các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools