Giá tại các nhà cung cấp và nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip tăng cao khi ngành này đang gấp rút đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và nỗ lực cải thiện những vấn đề về nguồn cung. Do đó, nhiều nhà sản xuất chip lớn trên thế giới đang phải nâng giá cho những thương hiệu sản xuất máy tính và các thiết bị khác. Giới chức ngành này cho biết đà tăng sẽ còn tiếp diễn.
Tác động của tình trạng thiếu chip đang bắt đầu được người tiêu dùng cảm nhận. Giá một số mẫu laptop phổ biến tại Mỹ đã tăng trong 2 tháng qua, trong khi các thiết bị điện tử khác được bán ở các nhà bán lẻ cũng đắt đỏ hơn.
Theo Keepa – trang web theo dõi giá cả, một chiếc laptop được các gamer sử dụng nhiều do nhà sản xuất Đài Loan ASUSTek Computer sản xuất, đã tăng từ 900 USD lên 950 USD trên Amazon trong tháng này. Giá của chiếc HP Chromebook tăng từ 220 USD lên 250 USD vào đầu tháng 6.
Theo Bernstein Research, HP đã tăng giá máy tính tiêu dùng lên 8% và giá máy in hơn 20% trong 1 năm qua. CEO của HP - Enrique Lores, cho biết, việc tăng giá diễn ra do tình trạng thiếu linh kiện và họ có thể phải điều chỉnh giá khi đối diện với chi phí gia tăng.
Các nhà sản xuất máy tính khác cũng đang ứng phó với tình trạng tương tự. CFO của Dell Technologies – Thomas Sweet, cho biết: "Khi tính đến việc chi phí linh kiện tăng, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá một cách phù hợp." Trong khi đó, giám đốc điều hành của ASUSTek hồi tháng 5 nói rằng công ty cũng phải nâng giá sản phẩm.
Chỉ số theo dõi giá của 20 loại vi điều khiển bán chạy nhất.
Các nhà phân tích cho biết, trong khi một số thiết bị điện tử đang có mức giá cao hơn, thì tác động đối với người tiêu dùng lại khó có thể đánh giá. Đó là bởi các nhà bán lẻ có thể quyết định xem liệu họ có nên chuyển áp lực chi phí cho khách hàng hay không. Toni Sacconaghi – nhà phân tích của Bernstein, cho biết, HP tăng giá thể hiện cho việc không chạy các chương trình khuyến mãi chứ không phải do mọi thứ đều đắt hơn.
Trong khi đó, các giám đốc điều hành ngành chip cho biết họ không tận dụng sự thiếu hụt để nâng lợi nhuận và việc tăng giá chỉ là việc các công ty phải trả chi phí cao hơn. Vicent Roche – CEO của nhà sản xuất chip Analog Devices, cho hay: "Chúng tôi không tận dụng chu kỳ này để nâng giá, ngoại trừ việc phải chi trả nhiều để có thêm nguồn cung."
Bên trong ngành, giá của những tấm silicon dùng để tạo ra con chip, cùng nhựa và kim loại được dùng trong quá trình chế tạo đều tăng giá. Digi-Key Electronics – một trong những nhà phân phối linh kiện điện tử lớn nhất Mỹ, đã tăng giá linh kiện liên quan đến chất bán dẫn khoảng 15% trong năm nay. Nguyên nhân là do áp lực từ nguồn cung.
Tình trạng thiếu hụt là do nhiều yếu tố và trở nên trầm trọng khi chuỗi cung ứng gặp gián đoạn vì đại dịch. Người tiêu dùng đã mua số lượng laptop cao kỷ lục để làm việc và học tập tại nhà trong thời gian đại dịch diễn ra. Nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao và sự phát triển nhanh của mạng 5G đã thúc đẩy người tiêu dùng mua smartphone.
Theo số liệu của World Semiconductor Trade Statistics, số lượng chip bán ra trên thế giới trong tháng 4 đạt gầm 100 tỷ chiếc, đây là con số cao kỷ lục. Trong đó, khoảng 73 tỷ chiếc được vận chuyển vào tháng 1/2020. Điều này cho thấy ngành này đã tăng tốc như thế nào để đáp ứng nhu cầu.
Giá hợp đồng của chip máy tính đã tăng khoảng 34% kể từ đầu năm ngoái, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Loan. Thời gian chơi game trên máy tính nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch cũng khiến giá card đồ họa của Nvidia tại thị trường thứ cấp cao hơn so với giá bán lẻ ban đầu.
Tại Mỹ, tình trạng tăng giá là một phần của xu hướng lạm phát nóng lên, khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Song, mức tăng lại không diễn ra trong toàn ngành. Trung bình, giá chip trong tất cả các lô hàng chất bán dẫn được vận chuyển trên toàn cầu không thay đổi nhiều kể từ đầu năm ngoái.
Tham khảo Wall Street Journal