Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới lên gần 8 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cuối ngày hôm nay, 22-6, giá vàng thế giới giảm xuống mức 1.780 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 49,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó Công ty SJC và Công ty PNJ niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 57 triệu đồng/lượng, tức cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi đến 7,3 triệu đồng/lượng. Mức chênh này ngang với chênh giá trong nước - thế giới vào Ngày Thần tài dù sức mua trên thị trường ở hai thời điểm hoàn toàn trái ngược.
Khoảng cách giữa giá mua - bán thu hẹp 50.000 đồng/lượng, từ mức 600.000 đồng/lượng, còn 550.000 đồng/lượng.
Tại thị trường quốc tế, giá vàng thế giới hồi phục do đồng USD giảm nhẹ, tuy nhiên tốc độ tăng khá chậm. Có nhiều thời điểm giá vàng giằng co do nhà đầu tư chờ đợi phiên điều trần của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước Quốc hội Mỹ.
Với lạm phát tăng cao, thị trường việc làm có sự cải thiện, FED đang tính tới thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ sớm hơn dự kiến. Chính quyết định này của FED đã khiến giá vàng rơi tự do 100 USD trong vòng 24 giờ vào tuần trước. Do vậy lần này quan điểm của FED sẽ được giới đầu tư theo dõi chặt chẽ.
Trước những rủi ro điều chỉnh của thị trường, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ra 3,5 tấn vàng, giảm lượng vàng nắm giữ về 1049,56 tấn.
TTO - Sau nhiều ngày giằng co, chiều 11-6, giá vàng thế giới đã chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ mùa hè 2018.