Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Điều này thấy rõ quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để không bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số, đưa tri thức vào cánh đồng, vào nhà máy sản xuất. Trước tiên, chuyển đổi số là để kết nối cung cầu, giảm thiểu khâu trung gian, giá cả nông sản phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Nhưng muốn làm được vậy, người nông dân cần phải thay đổi tư duy, chủ động và tích cực.
Chuyển đổi số, kết nối cung cầu, giảm thiểu khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản
Mới đây, nhiều người nông dân tại Hải Dương đã livestream bán vải, bán trứng trên sàn thương mại điện tử. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu giờ họ có thể tự mình tạo kênh bán hàng riêng.
Theo đại diện sàn thương mại điện tử, họ làm việc trực tiếp với người nông dân, họ sẽ hỗ trợ đóng gói, vận chuyển nông sản tới tay người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian, giá cả ổn định, không còn lo thương lái ép giá.
Ông Trần Trung Kiên, đại diện sàn thương mại điện tử Voso, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc nông sản".
Thực trạng thiếu thông tin giá cả, thị trường dẫn tới việc sản xuất nông sản dư thừa vốn là bài toán chưa có lời giải của ngành nông nghiệp bấy lâu. Trong thời gian tới, chuyển đổi số có thể giải quyết được thực trạng trên.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nhận định: "Chuyển đổi số giúp thu nhập thông tin về giá cả thị trường tự động, thậm chí dự đoán cả tương lai nhu cầu, giảm thiểu khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản".
Mục tiêu chuyển đổi số ngành nông nghiệp năm 2025
Chuyển đổi số để dự đoán người nông dân có thể được cả tương lai. Để hỗ trợ cho người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang lên kế hoạch xây dựng nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng, trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% cơ sở dữ liệu được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật. 70% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Ảnh: ITN
Doanh nghiệp công nghệ cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp
Ngay sau hội nghị về Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, vào ngày 21/6, Cục Bảo vệ thực vật và Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel đã ngay lập tức có buổi làm việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ thực vật. Đại diện Viettel và đối tác của doanh nghiệp này sẽ cung cấp các ứng dụng công nghệ thông minh giúp nông dân xác định được các loài sâu bệnh gây hại, đưa ra biện pháp phòng trừ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trên đồng ruộng của mình...
Phun thuốc, bón phân tự động bằng những chiếc máy bay không người lái, có giá thành rẻ hơn phân nửa so với sản phẩm nhập khẩu nhưng có thể giúp nông dân phun thuốc hơn 3ha mỗi giờ. Hệ thống AI cũng giúp máy bay này phát hiện 97% sâu bệnh.
Ông Trần Thiên Phương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty MiSmart, nhận định: "Với hệ thống này, lượng thuốc giảm 30%, lượng nước giảm 90% so với trước đây mà đều hơn. Và quan trọng là hệ thống giúp phun tưới chính xác, nơi nào có sâu bệnh hệ thống mới phun tưới và làm giảm dư lượng thuốc trừ sâu, hướng tới nông nghiệp sạch hơn".
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn CNVT Quân đội Viettel, cho biết: "Tôi nghĩ sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa một doanh nghiệp lớn của nhà nước với các doanh nghiệp công nghệ để tạo ra rất nhiều sản phẩm, giải pháp được nhanh chóng đưa vào thực tế phục vụ xã hội".
Chuyển đổi số nông nghiệp không dễ khi nông dân - lực lượng lao động chính trong lĩnh vực này không có nhiều lợi thế về công nghệ trong khi gặp nhiều trở lực bởi thói quen canh tác cũ. Thế nhưng, sức ép của dịch COVID-19 và câu chuyện đưa nông sản lên thương mại điện tử có thể chính là một động lực để bắt đầu hành trình số.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Phát triển, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, chia sẻ: "Xa hơn nữa, chúng tôi cũng đã tính tới cái việc là kết nối với các thị trường quốc tế để trước mắt là người Việt ở nước ngoài và sau đó là khách hàng quốc tế có thể tiếp xúc trực tiếp với các mặt hàng nông sản Việt Nam".
Theo Bưu điện Việt Nam, đơn vị này cũng đã lên kế hoạch phân phối nông sản các địa phương theo các vụ từ nay đến cuối năm.
Vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông cam kết đồng hành cùng với công cuộc chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay sau đó nhiều doanh nghiệp công nghệ số cũng đã cam kết phát triển các giải pháp cho nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ dữ liệu dùng chung để cùng xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số quốc gia. Với 9 triệu hộ nông dân nếu chuyển đổi số thành công tạo thành động lực thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số Quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15813515032601202-os-iod-neyuhc-uat-neyuhc-ol-noum-gnohk-peihgn-gnon-hnagn/et-hnik/nv.vtv