Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo chiều hướng khá tích cực trong phiên 22/6. Các chỉ số gồm VN-Index, HNX-INdex và UPCoM-Index đều tăng điểm trong cả phiên giao dịch.
Khoảng thời gian đầu phiên, các chỉ số có sự trồi sụt liên tục khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh, dù vậy biến động này của các chỉ số đều ở trong sắc xanh. Đà tăng được củng cố sau đó khi nhóm cổ phiếu ngân hàng “nhập cuộc”, các mã như MBB, CTG, ACB, MSB, LPB... đồng loạt tăng giá mạnh. Chốt phiên, MBB tăng đến 3,3%, CTG tăng 3,2%, ACB tăng 2,6%, MSB tăng 2,2%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như VCG, NVL, PVD, GAS, HPG... cũng đồng loạt tăng giá mạnh. VCG tăng 4,3% lên 50.600 đồng/cp sau thông tin chốt danh sách cổ đông vào 6/7 để chia 36,2 triệu cổ phiếu quỹ, tỷ lệ phân phối 9%.
HPG tăng 1% lên 51.700 đồng/cp. Theo thông tin mới đây của HoSE, 1,1 tỷ cổ phiếu HPG được niêm yết bổ sung từ 22/6 và bắt đầu được giao dịch từ 28/6. Đây là lượng cổ phiếu Hòa Phát phát hành thêm để trả cổ tức cổ phiếu năm 2020. Khối lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán của HPG tăng từ 3,3 tỷ lên 4,47 tỷ đơn vị. Vừa qua, HĐQT HPG đã thông qua việc tăng vốn tại công ty con - CTCP Sản phẩm thép Hòa Phát từ 3.500 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng. Số vốn 2.000 tỷ đồng tăng thêm sẽ được góp không muộn hơn ngày 11/7. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát sau khi tăng vốn là 99,994%.
Tuy nhiên, đà tăng của nhiều cổ phiếu đã thu hẹp lại vào cuối phiên khi sự hưng phấn giảm xuống, cùng với đó, các cổ phiếu lớn khác như SAB, VPB... đều chìm trong sắc đỏ và tác động đáng kể khiến các chỉ số không còn duy trì được mức tăng mạnh như trước đó. SAB giảm 1,7%, VPB giảm 0,8%, HVN giảm 0,5%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rõ nét từ các mã vốn hóa lớn cho đến nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đối với các mã vốn hóa lớn, NVL tiếp tục giữ được sự tích cực khi tăng đến 4,1% lên 113.500 đồng/cp, THD tăng 0,3% lên 198.500 đồng/cp, VIC tăng 0,1% lên 117.500 đồng/cp còn BCM cũng tăng nhẹ 0,6% lên 54.800 đồng/cp. Theo thông tin mới đây, IJC sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/7 để thực hiện trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 15%. Với tỷ lệ sở hữu 49,76% vốn của IJC, BCM sẽ nhận về 162 tỷ đồng.
Trong khi đó, PDR, VRE hay VHM đều chìm trong sắc đỏ ở phiên 22/6. PDR giảm 2,3% xuống 88.400 đồng/cp. Mới đây, HĐQT PDR đã thông qua chủ trương góp 51% vốn, tương đương gần 86 tỷ đồng để thành lập công ty con - CTCP Kinh doanh và Dịch vụ Bất động sản Phát Đạt. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 168 tỷ đồng.
Đối với nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, các mã như DRH, SII, TNT, NBB... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, nhiều mã thanh khoản cao cũng hút được dòng tiền tốt và tăng giá mạnh như BII, IDJ, KBC, CII, CEO... BII tăng 5,7% lên 7.400 đồng/cp, IDJ tăng 4,6% lên 15.800 đồng/cp, KBC tăng 3,3% lên 39.000 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, cũng có khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm mạnh ở phiên 22/6 như FIT, TDH, HQC, IDC, SCR... Trong đó, FIT giảm đến 6,7% xuống 14.000 đồng/cp. TDH giảm 4,3% xuống 7.710 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch 22/6, VN-Index tăng 7,34 điểm (0,53%) lên 1.379,97 điểm. Toàn sàn có 189 mã tăng, 204 mã giảm và 204 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,85 điểm (0,27%) lên 317,09 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 113 mã giảm và 73 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (0,43%) lên 90,1 điểm.
Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường phiên này đạt gần 24.300 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với mức khoảng 24.900 tỷ đồng ở phiên 21/6. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 44,3 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, FLC tăng 1% lên 14.550 đồng/cp.
Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 430 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 22/6. Trong đó, VRE, NVL và PDR là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối này. Chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với 18,2 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán trong nước đã nối lại đà tăng nhưng áp lực chốt lời xuất hiện nhiều hơn và xóa bớt mức tăng vào cuối phiên. Đây không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluechips hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.379 điểm.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi VN-Index đã vượt đỉnh đầu tháng 6. Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluechips, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này, thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.400 điểm./.
Xem thêm: lmth.27640000042210202-6-22-neihp-gnort-hnam-aoh-nahp-nav-nas-gnod-tab-ueihp-oc/nv.semitaer