Hồi tháng 3, một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc máy bay không người lái (UAV) Kargu-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã tấn công các tay súng đang chiến đấu tại Libya mà không có “sự kiểm soát của con người”.
UAV Kargu-2 do công ty quốc phòng STM thuộc sở hữu nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
UAV Kargu-2. Ảnh: The EurAsian Times
“Những hệ thống vũ khí tự động sát thương được lập trình để tấn công những mục tiêu mà không đòi hỏi kết nối dữ liệu giữa người vận hành và bom đạn” – báo cáo của HĐBA LHQ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, CEO của STM – ông Ozgur Guleryuz phủ nhận chuyện sử dụng công nghệ tự động để tấn công mục tiêu.
UAV chiến đấu được AI điều khiển
Kargu-2 (còn gọi là Eurasian Sparrowhawk) là UAV chiến đấu cánh quay (UCAV), được thiết kế phục vụ cho chiến tranh phi đối xứng hoặc hoạt động chống khủng bố, theo thông tin đăng trên trang web của STM.
Một UAV chiến đấu có khả năng mang đầu đạn và có thể được trang bị tên lửa hoặc bom. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc và Iran là những nhà phát triển UAV chiến đấu AI hàng đầu.
Ông Guleryuz thể hiện sự tự tin trong việc xuất khẩu Kargu-2 ra nước ngoài, đặc biệt là sang châu Á.
Các quốc gia khác đã sản xuất các biến thể tấn công của những hệ thống UAV hiện có như Hermes 450 của Israel và BAE Taranis của Anh.
UAV Bayraktar TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The EurAsian Times
Ấn Độ cũng đang trong cuộc đua phát triển Ghatak - một UCAV tấn công tàng hình cho không quân nước này. Theo kế hoạch, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Ghatak sẽ được thực hiện trong năm 2021.
Hiện nay, việc sử dụng vũ khí sát thương tự động, nơi công nghệ AI được sử dụng để loại bỏ mục tiêu mà không có sự điều khiển của con người đang gia tăng.
Bác những tuyên bố của HĐBA LHQ, CEO Guleryuz nói rằng công nghệ tự động chỉ được sử dụng cho mục đích điều hướng và khu biệt con người, động vật, phương tiện.
“Công nghệ tự động đang phát triển rất nhanh, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt tới đó. Tại STM, chúng tôi luôn nghĩ rằng về mặt đạo lý, con người nên được tham gia trong chuyện này” – ông Guleryuz nói.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình phát triển một UAV chiến đấu khác gọi là Alpagu, một nguyên mẫu hạng nhẹ chỉ cần một người lính duy nhất mang theo và vận hành trên chiến trường.
Ngành công nghiệp UAV của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển
Ngành công nghiệp UAV của Thổ Nhĩ Kỳ khởi phát vào đầu những năm 2000 với UAV nội địa đầu tiên có tên Anka. Bất chấp nhiều vụ rơi máy bay và những chỉ trích về việc sử dụng linh kiện nước ngoài cho một mẫu UAV gọi là “bản địa”, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một nhà sản xuất và xuất khẩu UAV Anka.
Năm 2011, trong một bước đột phá lớn cho ngành công nghiệp phát triển UAV, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với một liên doanh tư nhân Kale-Baykar để phát triển UAV vũ trang Bayraktar TB-2.
Đi vào hoạt động từ năm 2014, hệ thống UAV Bayraktar TB-2 đã đi đầu trong cuộc chiến của chính phủ nước này chống các tay súng người Kurd ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên với Iraq và Syria.
UAV TB-2 đã tạo được dấu ấn trong xuất khẩu vũ khí toàn cầu về UAV. Những khách hàng mua UAV Bayraktar TB-2 gồm Qatar, Ukraine, Ba Lan, Morocco và Azerbaijan. Riêng Azerbaijan đã sử dụng UAV chiến đấu này trong cuộc xung đột gần đây với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Hồi tháng 4, Canada đình chỉ bán công nghệ máy bay không người lái tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ. Canada cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng thiết bị do nước này sản xuất để hỗ trợ Azerbaijan – đồng minh thân cận của Ankara chống lực lượng Armenia.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất UAV Anka-S và Aksungur. Hai loại UAV này do tập đoàn Turkish Aerospace Industries (TAI) chế tạo, được thiết kế cho các nhiệm vụ do thám lâu dài, tình báo điện tử và tuần tra hàng hải. UAV Anka-S là biến thể đầu tiên của Anka, được điểu khiển bằng vệ tinh.