"Hiện tại, VAMC được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, ra mắt đầu quý III/2021. Ngoài ra, sắp tới sẽ thành lập Câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ”, ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC cho biết.
Phát biểu tại toạ đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” ngày 23.6, đại diện VAMC cho biết kể từ khi Nghị quyết 42 chính thức được áp dụng cùng với việc quy định về đấu giá tài sản từ 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỉ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm.
Bàn về khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, ông Thắng cho rằng Nghị quyết 42 cho phép những trường hợp quy định của Nghị quyết cao hơn luật, nhưng thực tế áp dụng còn mỗi bên hiểu một hướng, nên đa phần vẫn luật cao hơn Nghị quyết.
Nghị quyết 42 có thể động viên khách hàng tự nguyện giao tài sản, có những trường hợp thu giữ được trao điều kiện rất cao, nhưng có trường hợp chỉ giới hạn trong điều kiện ảnh hưởng an ninh quốc gia. Tổ chức tín dụng (TCTD) chưa áp dụng thủ tục tranh chấp, không thể thực hiện được. Ngoài ra, còn có những khó khăn về các vấn đề liên quan đến thuế.
“Chúng tôi kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai", Tổng Giám đốc VAMC cho biết.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho rằng để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính nêu trên theo chức năng – nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.
Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại DNNN, nâng cao năng lực tài chính – quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu. Các bộ chủ quản chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các TCTD mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên của mình.
Thứ ba, trên cơ sở thực tế, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã nêu tại Quyết định 986/QĐ-TTg.
Cuối cùng, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.
“Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
Xem thêm: odl.004329-1202iii-yuq-gnort-uax-on-hcid-oaig-nas-tam-ar-pas-cmav/et-hnik/nv.gnodoal