Vốn ngân hàng đang chảy vào đâu?
Tính đến giữa tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 5,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020. Báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy nhu cầu vay vốn đang dần trở lại. Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là tiền vay nhiều như vậy là vào những lĩnh vực nào?
Với 2 lĩnh vực nóng nhất hiện nay, bất động sản ước tăng 6% và chứng khoán ước tăng 3%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tới 0,48%. Còn bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt, giảm dần vốn cho vay đầu tư kinh doanh dự án bất động sản, chủ yếu tập trung vào nhu cầu mua, sửa chữa nhà cửa.
Đáng chú ý, 3/5 lĩnh vực sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng chung, gồm: xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ước đến cuối tháng 6, các lĩnh vực này tăng tương ứng 9%; 6,9% và 14,5%.
Tính đến giữa tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 5,1%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Nếu nói về tỷ trọng trong tổng dư nợ, theo Ngân hàng Nhà nước, quá nửa lượng vốn vay hiện nay là chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề khác nhau.
Nhu cầu vay vốn của nhiều doanh nghiệp tăng trở lại
Ngoài ra, vốn cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng khoảng 4%. Nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi trở lại sau tác động từ dịch bệnh cần vốn cho sản xuất kinh doanh.
Để kích thích vốn vay, nhiều chương trình ưu đãi lãi suất thấp được đưa ra. Như Vietcombank, chưa hết 5 tháng, nhưng đã hoạt thành mục tiêu tín dụng của cả 6 tháng. Dự kiến, có thể cao hơn chỉ tiêu 10,5% của cả năm.
"Chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: năng lượng tái tạo, dệt may, da giày phục vụ xuất khẩu", Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
"Gói tín dụng VNĐ cho vay ngắn hạn với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay này thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 1 - 2%. Với gói tín dụng trung dài hạn, với quy mô 65.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay tối thiểu là 7%", Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Trần Long chia sẻ.
Ước tính, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 3,5 triệu tỷ đồng vốn cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch COVID-19.
Cẩn trọng nguy cơ nợ xấu tăng trở lại
Cho vay nhiều, nhưng thống kê kết quả kinh doanh quý I của các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ lệ nợ cần chú ý đã tăng 16% sau khi liên tục giảm trong 3 quý trước đó. Đây là các khoản nợ chưa trở thành nợ xấu, nhưng cần theo dõi, có nguy cơ tiềm ẩn.
Gần 350.000 tỷ đồng nợ vay đã được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ, có điều kiện khắc phục những khó khăn từ dịch bệnh. Tuy nhiên cũng đồng nghĩa, còn nhiều khoản nợ khó đòi chưa được ghi nhận chính xác.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Chúng ta đang tạo cơ chế hỗ trợ nhưng vô hình lại giữ nguyên nhóm nợ, coi là nợ tốt thì đến một lúc nào đó không giữ được thì nợ nó sẽ bùng ra", Giám đốc Công ty luật ANVI Trương Thanh Đức nhận định.
"Khoảng 1/3 có thể trở thành nợ xấu. Như vật tổ chức tín dụng cần lưu tâm đến chỗ này và đương nhiên phải trích lập dự phòng rủi ro", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho hay.
Để chủ động dự phòng nguy cơ này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu dù không chuyển nhóm nợ, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 30% trong năm nay, 60% cho năm sau và đến 2023 phải trích lập hết.
Với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đã phân loại, lựa chọn các nhóm ngành có khả năng phục hồi, ưu tiên giải ngân trước. Sàng lọc ngay từ đầu giúp các ngân hàng tránh nguy cơ phải dọn rác nợ xấu sau này.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng. Một số ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước chỉ mặt, đặt tên, cảnh báo khi có dấu hiệu tăng tín dụng nóng ở lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Cho vay luôn song hành với rủi ro nợ xấu. Thực tế, các ngân hàng đang phải xử lý khối nợ xấu khổng lồ, hệ lụy từ việc tăng trưởng tín dụng nóng những năm trước.
Ước tính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chiếm khoảng 1,9% tổng dư nợ. Dù rằng đến thời điểm này, tính trong tổng dư nợ của cả nước, quá nửa lượng vốn vay vẫn dành cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên chính cơ quan này cũng nhấn mạnh, để kiểm soát nợ xấu, giải pháp hiệu quả nhất vẫn nằm ở chính sự chủ động của các ngân hàng, trong việc xét duyệt mỗi hồ sơ tín dụng.
VTV.vn - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ không bỏ trần hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.2880920042601202-ial-ort-uax-on-ned-gnob-gnat-gnud-nit/et-hnik/nv.vtv