Đặc biệt, việc nói đi đôi với làm của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đã khẳng định câu chuyện chiêu mộ nhân tài không phải là thông điệp "treo".
Chính vì vậy, nhiều thầy cô giáo trẻ khi được nhận nhiệm sở "như mơ" đã không khỏi bất ngờ cũng dễ hiểu.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT Tuyên Quang cũng có thư mời sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học sư phạm trên cả nước về làm việc với chế độ ưu đãi xứng đáng.
Có thể thấy sinh viên ra trường ngày càng nhiều, để kiếm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo không phải dễ. Vì vậy mà phát sinh những hiện tượng tiêu cực như "chạy" việc với khoản chi không hề nhỏ, trong nhiều ngành nghề, ở nhiều địa phương.
Thi thoảng báo chí vẫn đưa tin về hệ lụy được phát hiện từ quy trình xin việc không trong sáng này, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khiến nhiều người "đi bằng hai chân của mình" vẫn thường bị nhìn với ánh mắt bán tín bán nghi. Nếu không mất tiền thì làm sao có được vị trí công việc đó, làm sao được làm ở nơi tốt như vậy?
Câu hỏi đã được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam trả lời. Đó là nếu ứng viên thực sự giỏi, có năng lực đóng góp lớn cho những thay đổi thuộc lĩnh vực mình công tác. Và đó còn là sự thực tâm trọng thị người tài vì mong muốn cải tiến lĩnh vực, ngành nghề của người đứng đầu các sở, ngành liên quan.
"Lương sư hưng quốc" - người thầy vừa phải giỏi (có tầm), vừa phải có đạo đức (cái tâm) thì mới có thể đào tạo ra những lớp người có phẩm chất và năng lực đủ để đảm đương vai trò "chủ nhân tương lai của đất nước".
Không phải tự nhiên người ta xem thầy cô giáo là "kỹ sư tâm hồn" mà chính bởi công việc đặc biệt này - làm việc mỗi ngày với con người, dạy dỗ kiến thức, uốn nắn tâm hồn những mầm non - đòi hỏi chính người đó phải thật sự có bản lĩnh trên hai phương diện kể trên.
Việc làm ý nghĩa của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cùng một vài địa phương trong việc thu hút người giỏi làm giáo viên rất đáng để những địa phương khác cũng như những ngành nghề khác tham khảo.
Chính sách này vừa mang ý nghĩa giúp cho ngành nghề, địa phương có được người tài để phát triển, đồng thời cũng là một cách khuyến tài, giúp mỗi học sinh - sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường nỗ lực để được trọng dụng về sau. Đó là phần thưởng xứng đáng, là trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Ở phương diện khác, đây cũng là cách làm tạo ra sự công bằng trong tuyển dụng. Dù anh là con ông cháu cha, là "con của đồng chí nào" cũng không thể được đặc cách khi tài năng và đức độ không có.
Một xã hội trọng thị người tài, sử dụng người tài vào các lĩnh vực tương ứng, đồng thời biết lắng nghe những hiến kế từ họ, biết nghe cả những lời phản biện cần thiết thì chắc chắn sẽ phát triển, hợp lòng người, thuận lòng dân.
Mong rằng câu chuyện nhân sự trong ngành giáo dục sẽ lan tỏa rộng ra để những người tài có đất dụng võ, đóng góp nhiều hơn cho đất nước cũng như địa phương mà họ chọn gắn bó với nhiệt huyết và niềm tin.
TTO - Một số tỉnh, thành đã có chính sách ưu đãi sinh viên sư phạm giỏi về làm giáo viên các trường tại địa phương. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như thu hút người giỏi làm giáo viên.
Xem thêm: mth.88030557042601202-cud-oaig-tahc-gnan-ed-iat-iougn-gnort/nv.ertiout