Ngày 23/6, chủ mới của trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng xa xỉ Leflair bất ngờ thông báo quay lại thị trường Việt Nam vào quý III. Chủ mới của Leflair là Society Pass-một công ty công nghệ Mỹ. Thông tin từ Tuổi trẻ cho biết Society Pass đã mua lại thương hiệu này và các tài sản trí tuệ khác bao gồm tên miền từ một công ty Hong Kong. Tuy nhiên, hiện các tên miền như www.leflair.com ; www.leflair.vn ; www.leflair.com.vn đều không khả dụng.
Society Pass đặt kỳ vọng vào việc thương hiệu này đã phát triển 5 năm tại Việt Nam cũng như trong tương lai. Chủ sở hữu mới của Leflair cũng đặt mục tiêu mở rộng ra Đông Nam Á trong năm 2022. Society Pass cũng sẽ cử một đội ngũ quản lý mới phụ trách vận hành tại Leflair.
Society Pass là startup trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò kết nối người tiêu dùng với các nhà cung cấp trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Tại Việt Nam, Society Pass ra mắt tháng 12/2019 dưới pháp nhân Công ty TNHH SoPa Technology chuyên về nền tảng khách hàng thân thiết dựa trên dữ liệu.
Ông Dennis Nguyễn, Người sáng lập kiêm chủ tịch SoPa
Startup này đang vận hành 2 ứng dụng: Sopa - nền tảng giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực ăn uống - ẩm thực, và #Hottab - nhà cung cấp các giải pháp và kết nối tiếp thị trong quản lý dữ liệu người dùng. Từ lúc thành lập đến nay, đã có hơn 5.500 nhà bán hàng và 100.000 khách hàng thực hiện giao dịch trên các nền tảng của Society Pass.
Đối với 2 nhà sáng lập Leflair là ông Pierre Antoine Brun và Loic Gautier sau khi trang thương mại điện tử Leflair đóng cửa từ tháng 2/2020, đến tháng 5/2020 đã đầu quân cho Maison.
Một thông báo nội bộ ngày 4/5 của Maison cho biết ông Pierre Antoine Brun, đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành (COO) của Leflair, được bổ nhiệm làm COO, phụ trách công nghệ thông tin, thương mại điện tử và các hoạt động về logistics, chương trình thành viên.
Ông Loic Gautier, đồng sáng lập kiêm CEO của Leflair nhận vị trí Giám đốc phát triển (CGO), chịu trách nhiệm về thương hiệu, quảng cáo và trải nghiệm khách hàng.
Chia sẻ trên VnExpress, phía Maison cho biết không tuyển dụng hai nhà sáng lập Leflair theo dạng hợp đồng lao động, mà theo hình thức tư vấn, nhằm tận dụng kinh nghiệm của 2 cá nhân này trong việc xây dựng hệ thống làm việc của Maison. Maison không có chịu trách nhiệm với khoản nợ của Leflair.
Đối khoản nợ hàng chục tỉ đồng với 500 nhà cung cấp cũ của Leflair, nguồn tin của Tuổi trẻ cho biết Society Pass không đề cập đến. Với thông báo của Society Pass, có thể hiểu nhà đầu tư mới không chịu bất kỳ nghĩa vụ nào gắn liền với doanh nghiệp cũ Leflair. Đây có thể là thách thức mới cho nhà vận hành Leflair để tạo niềm tin bắt tay cùng các nhà cung cấp uy tín trong tương lai. Với doanh nghiệp cũ Leflair từng biết sẽ làm thủ tục xin phá sản nhưng đến nay chưa hoàn tất.
Đến nay, hàng chục nhà cung cấp đã gửi đơn tố cáo Leflair về nội dung trì trệ trong việc xác nhận công nợ, thanh toán tiền hàng đến hàng loạt cơ quan chức năng. Một số nhà cung cấp còn tố cáo Leflair có dấu hiệu "lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tại sản". Đầu tháng tư, các đơn tố cáo đã được chuyển về Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP HCM xem xét giải quyết.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị