Những người làm công ăn lương tại Nhật Bản đang được khuyến khích giảm thời gian làm việc trong môi trường văn phòng. Đây là một phần trong sáng kiến của chính phủ nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tại quốc gia này.
Các chính sách kinh tế hàng năm được công bố gần đây bao gồm các khuyến nghị mới cho rằng các công ty nên cho phép nhân viên của họ chọn làm việc 4 ngày/1 tuần thay vì 5 ngày/1 tuần như thông lệ.
Làm việc 4 ngày/1 tuần
Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thay đổi lớn đối với cách thức hoạt động của các tập đoàn Nhật Bản dù cho nhiều công ty vẫn còn rất cứng nhắc và truyền thống.
Các nhà lãnh đạo chính trị hiện hy vọng sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo công ty rằng giờ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa, liên lạc và kết nối ngày càng chặt chẽ và một loạt các phát triển khác có thể có lợi nếu chúng vẫn được duy trì ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế kết thúc.
Nhật Bản đề xuất chế độ làm việc 4 ngày /1 tuần
Trong tài liệu đề cập tới chính sách làm việc 4 ngày/1 tuần, chính phủ Nhật Bản cho biết việc này có thể giúp các công ty giữ lại các nhân viên có năng lực và kinh nghiệm - những người này có thể sẽ phải rời đi nếu họ đang phải nuôi gia đình hoặc chăm sóc người thân lớn tuổi.
Theo chính phủ, một tuần làm việc kéo dài 4 ngày cũng sẽ khuyến khích nhiều người có cơ hội tăng cường bổ sung học vấn, nâng cao trình độ hoặc thậm chí làm thêm nghề tay trái bên cạnh việc làm chính của họ.
Quan trọng nhất, các nhà chức trách hy vọng rằng mỗi tuần được nghỉ thêm 1 ngày sẽ khuyến khích người dân ra ngoài và chi tiêu, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng dự đoán rằng những người trẻ tuổi sẽ có nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, kết hôn và sinh con, giải quyết vấn đề ngày càng nghiêm trọng của tỷ lệ sinh giảm, dân số giảm trong khi tỉ lệ người già ngày càng cao.
Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng của Bộ phận Thông tin Thị trường Toàn cầu của Fujitsu Ltd., nói với DW: "Chính phủ thực sự rất quan tâm đến việc thay đổi tâm lí vốn đã ăn sâu vào các công ty Nhật Bản".
Chính quyền Nhật Bản gần đây đã tìm kiếm một số cách để khắc phục nền kinh tế quốc gia đang trì trệ. Do đó, cải cách lối sống và phong cách làm việc của hàng triệu người Nhật Bản đã trở thành phương pháp hữu hiệu mà chính phủ nhắm tới.
Ông Schulz cho biết: "Trong thời kỳ đại dịch, các công ty đã chuyển sang những cách thức hoạt động mới và họ đang chứng kiến sự gia tăng dần dần về năng suất. Các công ty đang cho nhân viên của họ làm việc tại nhà hoặc từ xa, tại các văn phòng vệ tinh hoặc tại địa điểm của khách hàng, điều này có thể thuận tiện và hiệu quả hơn đối với nhiều người."
Tinh giản nhân lực công ty
Schulz chỉ ra rằng Fujitsu đã nắm bắt cơ hội khi công ty này cắt giảm hoàn toàn 50% diện tích văn phòng tại trụ sở chính ở Tokyo và cho nhân viên chuyển sang làm việc từ xa.
"Trong tương lai, sẽ có một số người trong bộ phận của tôi trong văn phòng nhưng sẽ rất hiếm khi tất cả chúng tôi ở đó cùng nhau và không gian đó chủ yếu dành cho các cuộc họp trực tiếp không thể thực hiện từ xa", ông nói.
Tuy nhiên, có những hạn chế đối với các kế hoạch của chính phủ, đặc biệt khi Nhật Bản đã trải qua tình trạng thiếu lao động do ngày càng ít người trẻ tham gia lực lượng lao động.
Người lao động Nhật Bản dù thấy ý tưởng về 1 tuần làm việc 4 ngày khá hấp dẫn, nhưng họ cũng lo lắng về việc giảm lương và sợ bị quy kết rằng họ không hoàn toàn tận tâm với công ty của mình.
Junko Shigeno vừa hoàn thành chương trình học kinh doanh và ngôn ngữ và đã nhận được một số lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn, nhưng thay vào đó, cô đã chọn một công ty công nghệ thông tin nhỏ hơn, cách xa nhà hơn vì cô cảm thấy "triết lý" của công ty phù hợp với mình.
"Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về các công ty cung cấp cho tôi vị trí làm việc toàn thời gian và tôi đã nói chuyện với 4 hoặc 5 nhân viên đang làm ở mỗi nơi", cô nói. "Tôi đã rất sốc khi một trong những người phụ nữ mà tôi hỏi đã bật khóc khi nói về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống."
Một trong những vấn đề lớn nhất của giới trẻ hiện nay là làm thêm giờ không được trả lương, đây được gọi là "làm thêm giờ dịch vụ". Công ty mà Shigeno sẽ gia nhập đã cam kết rằng cô ấy sẽ không bao giờ phải làm thêm quá 15 giờ mỗi tháng.
Một trong những công ty khác đã phỏng vấn cô ấy nói rằng cô ấy nên chuẩn bị tinh thần làm thêm khoảng 60 giờ mỗi tháng.
'Chết do làm việc quá sức'
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản thường xuyên có những trường hợp về các nhân viên trẻ bị ốm do làm việc quá nhiều giờ hoặc tự kết liễu cuộc đời vì căng thẳng. Được biết đến với cái tên "karoshi" - hay cái chết do làm việc quá sức, các cuộc điều tra thường xác định rằng người lao động đã suy sụp nặng nề sau khi làm thêm hơn 100 giờ liên tục trong nhiều tháng.
"Điều đó không dành cho tôi," Shigeno nói. "Tôi mong muốn được làm việc và học hỏi những kỹ năng mới, nhưng tôi cũng muốn có thời gian riêng, gặp gỡ gia đình, bạn bè và theo đuổi sở thích của mình. Điều đó rất quan trọng đối với tôi và đó là lý do tôi chọn công ty này. "
Đối với Schulz, chìa khóa nằm ở việc tăng năng suất.
Ông nói: "Trong năm ngoái, các nhân viên đã cho thấy rằng họ không cần phải ở văn phòng 5 ngày một tuần và đến tận khuya để duy trì năng suất làm việc."
Ông nói thêm: "Rủi ro lớn nhất hiện nay là một số công ty sẽ quay trở lại cách làm việc cũ và yêu cầu tất cả nhân viên của họ đến văn phòng cả ngày như trước. Đối với những công ty không mắc phải sai lầm đó, kết quả là đôi bên cùng có lợi."
Tất Đạt
Doanh nghiệp tiếp thị