Theo VAFI, hiện nay các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm. Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi), nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay). Lãi suất thấp nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở, chi tiêu, tiêu dùng...
Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn với đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn từ 0,2-0,7%/năm.
Còn tại Việt Nam, tiền gửi VND ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao so với các nước, dẫn đến lãi suất cho vay cao. Lãi cao gây bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Đồng thời cho rằng Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng dòng tiền vào các kênh đầu tư có lợi, cũng như ngăn chặn việc chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế, như bất động sản hay ngoại tệ trong khi nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề như các nước trong khu vực, để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm.
Giải pháp hạ lãi suất tiết kiệm của NHNN có yếu tố tích cực là hướng dòng tiền vào chứng khoán, nhưng cũng đưa dòng tiền khổng lồ vào BĐS, tác động đến an sinh xã hội vì nhiều người thu nhập trung bình khó mua nhà. Song mặt hạn chế là dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng tác động mạnh đến an sinh xã hội, khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua nhà.
Để có thể hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm, VAFI đưa ra 5 giải pháp để thực hiện. Một là, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản. Đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi. Hai là, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2%/năm. Như vậy, hệ thống NH sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài, làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.
Nhưng để làm được việc này, Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, để hạ thấp lãi suất huy động. NHNN cần rà soát luật hiện hành, để đảm bảo người dân khi đầu tư vào trái phiếu do NH phát hành, được đảm bảo tiền đầu tư như tiền gửi tiết kiệm. Cần thiết phải có chính sách bảo đảm này để hướng dòng tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư dài hạn. Giải pháp thứ ba là, khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, NHNN cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở 1 mức nhất định, nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô...
Thứ tư là kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm. Khi hết dịch Covid-19, tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công cần giảm dần, để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Thứ năm VAFI đề nghị hệ thống NH trong nước tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ NH yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự; hạn chế dần tình trạng NH thuộc sở hữu của một tập đoàn, và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ NH nào.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phần lớn doanh nghiệp gặp khó về đầu ra nên nhu cầu vốn chưa phục hồi, một phần vì các ngân hàng cũng phải thận trọng hơn trong giải ngân, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai. Điều này phản ảnh mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế còn thấp. Mặt khác, đề xuất của VAFI cũng chưa có căn cứ vững chắc để ngăn chặn dòng tiền không tiếp tục đổ vào BĐS hoặc thị trường khác như vàng, kim loại quý?
Trong khi đó việc hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động và từ đó giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu nợ với kết quả cuối cùng là giúp các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn, duy trì sự sống trong giai đoạn khó khăn và tận dụng cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là thị trường đầu ra phục hồi chậm dẫn tới nguy cơ DN rơi vào khó khăn. Trong khi đó, đối tượng thực sự cần vốn từ các ngân hàng chính là nhóm doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khó khăn.
Nhưng có một thực tế cần nhìn nhận đó là đối với những DN gặp khó khăn thì ngân hàng sẽ không tránh khỏi tâm lý sẽ e ngại nợ xấu mà hạn chế giải ngân, dẫn đến việc dòng tiền không chảy được đến nơi thực sự cần. Ngược lại, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay ngoài nguồn vốn tự có và vốn huy động từ giấy tờ có giá thì phần lớn các ngân hàng hiện nay vẫn tập trung huy động từ dân chúng và các tổ chức kinh tế... Đồng thời phụ thuộc vào vốn từ thị trường liên ngân hàng. Do đó, đề xuất hạ dần lãi suất huy động tiền gửi VND về mức 0%/năm đưa ra ở thời điểm này có thể ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn từ dân chúng và các tổ chức kinh tế.
Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại (NHTM), từ đó NHTM có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Các TCTD sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn.
Với sự triển khai tích cực của các TCTD, đến ngày 31-5-2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 5-2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.