Tọa đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HoSE: thực trạng và giải pháp" vừa được Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức vào sáng nay.
Trả lời câu hỏi vì sao hơn 20 năm qua sàn HoSE vẫn chưa làm chủ công nghệ, ông Trần Văn Dũng (chủ tịch SSC) thừa nhận nhận thức chính là rào cản.
"Dự án bắt đầu năm 2000, không biết các anh chị lúc đó có kiến thức và hiểu biết thị trường chứng khoán đến đâu. Cá nhân tôi là người tham gia và các nhà kinh tế, khoa học có hiểu biết nhiều về chức năng và cách tổ chức, nhưng nói hệ thống giao dịch bao gồm phần gì thì không ai biết, kể cả FPT", ông nói.
Ông Trần Văn Dũng
Chủ tịch SSC cũng cho rằng việc trì trệ nâng cấp hệ thống giao dịch đến từ tính cầu toàn của cơ quan quản lý, muốn tạo ra hệ thống hiện đại, đồng bộ và toàn diện.
"Yêu cầu cao, nhưng nhận thức chưa được thấu đáo, dẫn đến việc chuẩn bị cho hệ thống rất nhiều vấn đề, khi hình thành ra dự án triển khai khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm triển khai hệ thống quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán.
Có nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn HoSE, trong quá trình thực hiện dự án không lường hết tình hình, chưa thực sự quyết liệt", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, trong quá trình cải tiến hệ thống cũng tốn thời gian, bao gồm 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng mô hình thị trường chứng khoán Việt Nam và lập hồ sơ về thầu cho hệ thống.
Chưa kể, ban đầu tính triển khai hệ thống mới của nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) cho HoSE, nhưng thực tế lại vừa cho HoSE, vừa cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nên phạm vi mở rộng từ thị trường cổ phiếu, mở rộng ra đáp ứng nhu cầu cho cổ phiếu, phái sinh…
Sau khi lắp đặt xong phần cứng, phần mềm, chuẩn bị đưa vào kiểm thử... hệ thống KRX lại bị trễ hẹn do bùng phát COVID-19. "Hợp đồng ký kết dưới hình thức không được thay đổi nội dung và kinh phí dự án", ông Dũng giải thích vì sao chuyên gia Hàn Quốc không thể qua lại liên tục.
"Trong quá trình làm, bản thân HoSE và chúng tôi chưa thực sự quyết liệt nên dự án bị dừng lại. Hy vọng đến cuối năm nay, về mặt lý thuyết, hệ thống KRX đi vào hoạt động, kỷ niệm vui buồn lẫn lộn, nhưng dù sao kết thúc được vấn đề.
Khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều đáng tiếc, trong thời điểm thị trường phát triển rất mạnh, gần 1/4 thế kỷ tham gia cùng với các thế hệ xây dựng thị trường, chúng tôi chỉ mong muốn đến hôm nay thị trường phát triển về quy mô và thanh khoản, doanh nghiệp và Chính phủ huy động nguồn vốn, sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta rất phiền toái", ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng còn tiết lộ, ngay từ khi sự cố nghẽn lệnh diễn ra từ cuối tháng 12-2020 đến nay, cả nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng đương nhiệm Hồ Đức Phớc đều xác định "nghẽn lệnh là trường hợp khẩn cấp quốc gia", phải tập trung mọi nguồn lực để giải quyết.
Ông Lê Hải Trà
Về giải pháp kiểm soát việc sửa/hủy lệnh giao dịch, ông Lê Hải Trà (tổng giám đốc HoSE) chia sẻ, năng lực xử lý của sàn HoSE tối đa 900.000 lệnh/phiên. Việc sửa/hủy lệnh chiếm 1/3 trong tổng năng lực xử lý trên, khiến chỉ còn 600.000 lệnh được khớp thực tế.
Do đó, việc kiểm soát sửa/hủy lệnh đã giúp "việc xếp hàng qua trạm thu phí giảm bớt trong giờ cao điểm", có thêm 200.000 lệnh được khớp, nên gần đây có những phiên giao dịch lên trên 30.000 tỉ đồng.
Ông Dương Dũng Triều
Ông Dương Dũng Triều (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hệ thống thông tin FTP - FTP IS) cho biết đang chạy thử hệ thống giao dịch tạm với sàn HoSE, chạy giả lập ở các công ty chứng khoán.
Hệ thống tạm này có khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, bỏ cơ chế phân bổ lệnh ở các công ty chứng khoán và làm chủ được hệ thống trong quá trình khắc phục và giám sát sự cố.
Theo chia sẻ của chủ tịch SSC, chiều nay tổ công tác xử lý nghẽn lệnh do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng sẽ họp, dự kiến hệ thống tạm sẽ chạy chính thức vào tháng 7, không chậm hơn.
TTO - Giữa lúc thị trường chứng khoán giảm sốc, bảng giao dịch lại 'tê liệt', nhà đầu tư bị 'bịt mắt' khi mua bán cổ phiếu.