Covid-19 dường như trở thành tác nhân đẩy nhanh xu hướng "rời phố về rừng" mua đất, xây nhà, trồng cây.
Hơn một tuần trước, ông Nguyễn Ngoan (58 tuổi, Hà Nội) vừa chốt một lô đất lớn tại Hòa Bình, khu vực chỉ cách Hà Nội 40 phút di chuyển. Mức giá mà ông phải trả cho lô đất lên tới gần 1 tỷ đồng, trong đó có khoảng 200m2 đất thổ cư và phần còn lại là diện tích đất sản xuất lâu năm".
Ông Ngoan cho biết thêm, 2 người bạn hàng xóm của ông cũng vừa chốt 2 mảnh đất lớn tại Hòa Bình với mục đích xây homestay, vừa nghỉ dưỡng, vừa cho thuê.
Lý giải về quyết định lựa chọn mua đất tại Hòa Bình, ông Nguyễn Ngoan cho biết, những người Hà Nội xác định mua đất trên Hòa Bình với mục đích đầu tiên là để trải nghiệm nghỉ dưỡng trong ngày cuối tuần.
"Khi Hà Nội nắng nóng, dịch bệnh, thì tâm lý muốn đi nghỉ dưỡng tự di chuyển ô tô là điều hiển nhiên.Họ muốn có căn nhà thứ 2 gần căn nhà chính.
Chưa kể, chi phí nghỉ dưỡng như vậy tính ra rất rẻ, tiện lợi và phù hợp với những gia đình có trẻ nhỏ thích trải nghiệm với thiên nhiên" – ông Ngoan nói thêm: "Xu hướng người từ Thủ đô đi mua quỹ đất lớn làm căn nhà thứ 2 đã xuất hiện từ nhiều năm trước.
Đến nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, họ không thể đi du lịch xa, hơn nữa ô nhiễm ở các thành phố lớn nên họ càng muốn xây dựng những căn nhà thứ 2 với xu hướng sống xanh để nghỉ ngơi".
Lý do thứ hai mà ông Ngoan đưa ra đó là xét về lâu dài, những quỹ đất ở Hòa Bình sẽ có khả năng tăng giá theo thời gian, cùng chu kỳ của bất động sản của thị trường.
"Tôi có người bạn, mua mảnh đất ở Hòa Bình cách đây hơn 2 năm với mức giá 300 triệu đồng mảnh 400m2. Ý định ban đầu chỉ để nghỉ dưỡng dịp cuối tuần, nhưng đến giữa năm 2020, có môi giới gọi điện trả 500 triệu đồng mảnh đất.
Lúc đó, không nghĩ mảnh đất mua để nghỉ dưỡng lại có thể lời đến thế. Sau đó bạn tôi chuyển nhượng lại quỹ đất và tìm mảnh đất to hơn với mức giá 800 triệu đồng, view ngay ra hồ lớn. Hiện tại, một số khách đã sẵn sàng trả 1,2 tỷ đồng nhưng bạn tôi vẫn chưa bán" – ông Ngoan kể.
Xu hướng "rời phố, lên núi rừng" mua căn nhà thứ 2 ngày càng gia tăng.
Những người mua đất Hòa Bình hay các khu vực khác vùng ven Thủ đô để làm farmstay , homestay nghỉ dưỡng cuối tuần không phải là hiếm. Phong trào này không phải mới xuất hiện mà đã có từ lâu, nay trong bối cảnh dịch bệnh xu hướng này lại càng nở rộ.
Theo chia sẻ của anh Trần An (Hà Nội), nhiều người bạn của anh ban đầu mua đất Hòa Bình chỉ để làm cái nhà, nhưng sau đó bán được giá, họ lại trở thành nhà đầu tư.
Trước vào đầu năm 2020, anh An cũng mua một lô đất rộng 1000m2 với giá chưa đến 1 tỷ đồng vào tháng 9/2020. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh An cũng đã nhanh chóng chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư khác mức sinh lời khá tốt. Hiện tại, anh An tiếp tục đầu tư vào một mảnh đất có diện tích lớn hơn tại Hòa Bình để vừa nghỉ dưỡng vừa chờ đợi giá đất tăng giá.
"Mua chơi 1-2 năm, không thích nữa thì bán, giá tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Những quỹ đất đẹp đẹp thì ngày càng ít đi. Đất đai nó là độc bản theo đúng nghĩa, mảnh nào cũng là duy nhất và ai nhanh tay người đấy sẽ sở hữu trước với giá rẻ hơn" – anh An kể.
Thế nên, theo anh An, thị trường farmstay vẫn còn nhiều cơ hội cho những ai muốn kết hợp nghỉ dưỡng hay đầu tư. Hiện tại, đây là thời điểm vàng để nhiều người xuống tiền vì nhiều quỹ đất đẹp và rẻ.
Liên quan đến câu chuyện thị trường ghi nhận một số trường hợp "bán tháo" quỹ đất lớn tại Hòa Bình, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây chỉ là chiêu trò thu hút khách của một số môi giới.
Một nhà đầu tư giấu tên khẳng định, khi nhắc đến làn sóng bán tháo, đa phần mọi người đang hiểu việc "tháo chạy" theo kiểu bán tháo, lỗ vốn nhưng thực tế không phải vậy.
Nhiều người mua chỉ vài trăm ngàn/m2, trải nghiệm 2-3 năm rồi bán lãi gấp 3-4 lần giá trị ban đầu. "Đầu tư vào căn nhà thứ 2 với nhiều người chính là cuộc chơi kiếm lời tốt"- nhà đầu tư này khẳng định.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Ngoan cho rằng, hiện tượng rao bán đất rất bình thường. "Việc nhiều người rao bán quỹ đất lớn trước đây dự kiến xây farmstay do họ có thể đã tìm được mảnh đất phù hợp hơn và rao bán lại để có lời.
Một số người còn có ý định chuyển từ farmstay sang đầu tư xây dựng homestay để cho thuê hoặc bán lại cho giá cao. Điều này phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người trong từng giai đoạn khác nhau. Còn thực tế, nhu cầu mua đất làm farm càng ngày càng gia tăng" – ông Ngoan nhấn mạnh.
Hải Nam
Nhịp sống kinh tế