Mới đây, ứng dụng giao đồ ăn Coupang Eats của Hàn Quốc đang hứng chịu làn sóng tẩy chay chưa từng có và mọi chuyện bắt đầu từ một con tôm.
Vào đầu tháng 6/2021, đài MBC đưa tin về vụ việc diễn ra vào tháng 5/2021 khi chủ một nhà hàng được cho là bị giết bởi áp lực phàn nàn đến từ khách hàng khi không hài lòng về một con tôm. Cụ thể bà A, chủ một quán kimbap tại thủ đô Seoul-Hàn Quốc đã nhận được lời yêu cầu hoàn tiền từ khách hàng B vào ngày 8/5/2021. Nguyên nhân là một trong 3 con tôm bọc bột rán có giá khoảng 2.000 Won, tương đương 40.000 VNĐ, mà ông B đặt hàng qua ứng dụng Coupang Eats đã đổi màu.
Đáp lại, chủ quán A chỉ đồng ý hoàn tiền cho một món chứ không cho cả hóa đơn, khiến khách hàng B tức giận và đánh giá 1 sao cửa hàng trên ứng dụng, đồng thời viết những lời bình luận khiếm nhã.
Không dừng lại ở đó, ông B liên tục gọi tới cửa hàng 4 lần để mắng chửi chủ quán. Điều đáng ngạc nhiên là thay vì dàn xếp ổn thoả, trung tâm khách hàng của Coupang Eats lại gọi điện 3 lần yêu cầu chủ quán A hoàn tiền toàn bộ hóa đơn mà không quan tâm đến đúng sai của vụ việc. Vào ngày 29/5/2021, chủ quán A đã bị đột quỵ vì xuất huyết não sau cuộc gọi đến và qua đời sau đó 3 tuần dù đã được chuyển đến bệnh viện.
Ngay sau đó phía gia đình bà A đã vô cùng tức giận trước lối hành xử của Coupang bởi bản thân bà không có tiền sử đột quỵ hay bệnh tật gì.
Câu chuyện càng khiến cộng đồng chủ quán xứ Hàn bất mãn khi đài MBC công bố đoạn ghi âm trung tâm khách hàng của Coupang gọi điện yêu cầu nhân viên quán không được để tình trạng tương tự xảy ra dù họ đã giải thích rằng chủ quán A đang phải nhập viện vì nhận được quá nhiều cuộc gọi cùng yêu cầu vô lý.
Hiện cộng đồng mạng và nhiều chủ quán tại Hàn đang kêu gọi tẩy chay Coupang vì quá thiên vị người dùng thay vì các chủ quán ăn. Khoảng 170.000 hashtag với tựa đề tẩy chay ứng dụng này đã xuất hiện trên mạng chỉ trong 2 ngày sau bản tin của MBC.
Trước sự tẩy chay mãnh liệt của người dùng, nhà sáng lập Kim Beom Seok đã phải tuyên bố từ chức và rút khỏi mọi vị trí quản lý của công ty. Đồng thời, ứng dụng này cũng cam kết thành lập đội điều tra đặc biệt, phối hợp cùng cảnh sát để giải quyết vấn đề.
Đại diện công ty này cho biết: "Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã không thể hỗ trợ đầy đủ cho các chủ cửa hàng, gây ra tình trạng họ bị người dùng ngược đãi, yêu cầu hoàn tiền không hợp lý, đánh giá ác ý,...".
Bên cạnh đó, Coupang Eats cũng ngay lập tức lên kế hoạch tích hợp thêm chức năng cho phép người bán đánh giá người mua, báo cáo các đánh giá độc hại từ khách hàng và bảo vệ, hỗ trợ người kinh doanh tốt hơn.
Trong khi đó, một số hiệp hội doanh nhân tại Hàn Quốc cũng đã lên tiếng bất bình. Một chủ nhà hàng chia sẻ: "Ngày nay, các đánh giá và xếp hạng sao trên ứng dụng giao hàng có tác động đáng kể đến việc lựa chọn nhà hàng của khách và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số. Đánh giá và sao phải cao thì nhà hàng mới được có cơ hội tiếp xúc người dùng cao, dẫn đến việc người bán phải nỗ lực hết sức chiều lòng khách, ngay cả khi bị yêu cầu vô lý".
Sự việc đang tạo nên cuộc tranh luận lớn tại Hàn Quốc khi nhiều người cho rằng khách hàng phách lối chẳng hiếm nhưng mọi người lại thường hay bảo vệ quyền lợi của họ mà hiếm khi bảo vệ cho cửa hàng. Trong khi đó một số người khác lại cho rằng áp lực của ngành phục vụ là vô cùng lớn và nếu không theo được nghề thì nên chuyển công việc thay vì chịu áp lực, dẫn đến các tình trạng đáng tiếc như trên.
Niềm tự hào của giới khởi nghiệp Hàn Quốc bị tẩy chay
Vào tháng 3/2021, Coupang đã làm nên lịch sử khi trở thành startup Hàn Quốc đầu tiên niêm yết thành công trên sàn chứng khoán New York, trở thành thần tượng và cũng là đối tượng cạnh tranh của nhiều nhà khởi nghiệp.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, công ty này liên tiếp hứng chịu các vụ bê bối với cáo buộc tập trung phát triển nhanh mà hy sinh sức khỏe nhân viên cũng như quyền lợi của người tham gia. Hàng loạt những vụ nhân viên thiệt mạng vì làm việc quá tải và vụ cháy của một trung tâm giao hàng đã làm cộng đồng dồn chỉ trích vào startup họ mới tung hô cách đây vài tháng.
Ngoài cửa trụ sở của Coupang vẫn còn những nhóm nhỏ biểu tình đòi sự công bằng cho cái chết của chủ quán A. Trong khi đó rất nhiều người chỉ trích việc tập trung thái quá cho tăng trưởng đã khiến Coupang lơ là điều kiện làm việc cho nhân viên cũng như cách họ đối xử với những đối tác như chủ quán ăn, nhà cung ứng... Thậm chí Coupang còn đàm phán để buộc các nhà hàng hạ giá nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Tồi tệ hơn, vụ cháy một trung tâm giao hàng thuộc Coupang khiến 1 nhân viên cứu hỏa thiệt mạng đã kích động thêm nữa làn sóng tẩy chay. Hiện cuộc điều tra vụ cháy vẫn đang tiến hành nhưng nguyên nhân ban đầu được cho là điều kiện làm việc không an toàn.
Trên thực tế, câu chuyện Coupang ép buộc nhân viên lẫn đối tác không có gì mới khi ứng dụng này đặt yếu tố giao hàng nhanh và làm hài lòng khách hàng lên đầu. Thế nhưng mọi chuyện chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi startup này niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Hiện tại, khẩu hiệu "khách hàng là thượng đế" vẫn được Coupang áp dụng và đem lại thành công trước đây cho ứng dụng này, nhưng chúng lại đang là tâm điểm chỉ trích của các chủ quán và người cung cấp.
Trong mùa dịch Covid-19, những ứng dụng thương mại điện tử, giao hàng như Coupang đã phát triển mạnh khi người dân được khuyến cáo ở nhà thay vì đến những nơi đông đúc. Tuy nhiên sự cạnh tranh trong mảng kinh doanh trực tuyến này không hề nhỏ và buộc các startup như Coupang phải chọn lựa giữa tăng trưởng nhanh để chiếm thị phần hoặc bảo vệ quyền lợi của đối tác cho kinh doanh dài hạn.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị