Chống “Tam giác quỷ” được không?
Andy Huỳnh Vũ
(KTSG Online) - “Tam giác quỷ” - biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 - nhìn từ thế giới và nước Mỹ. Chúng ta có thể học được gì từ câu chuyện này?
Biến chủng nCoV B.1.617.2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, còn gọi là biến chủng Delta (Delta variant)(1), chính là sự khác biệt trong đợt bùng phát Covid-19 lần này ở TPHCM. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC), đã nói như trên tại một cuộc họp báo 10 ngày trước đây(2). Theo ông, sự lây lan nhanh chóng liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng cho thấy tốc độ và sự nguy hiểm của biến chủng mới. Nó khác biệt hoàn toàn so với các biến chủng đã phát hiện ở TPHCM và Việt Nam.
Ông so sánh, chẳng hạn, trong trường hợp chùm lây nhiễm lớn nhất ở TPHCM trước đây tại một quán bar ở quận 2, chỉ những người tiếp xúc rất gần trong không gian hẹp mới bị lây nhiễm, còn người nhà của họ gần như không bị lây. Tuy nhiên, trong đợt dịch mới nhất, HCDC ghi nhận đa số các ca lây nhiễm đều tiếp tục lan rộng trong phạm vi gia đình, nơi làm việc, cùng nhà hay cùng chung cư. Tại một công ty dịch vụ ở TPHCM, có đến 71 người nhiễm trong số 300 nhân viên làm việc trong một không gian kín. Như vậy, tỷ lệ lây nhiễm là gần một phần tư và chủng Delta chỉ cần ba ngày là đã có thể gây ra một chu kỳ lây nhiễm mới, nhanh hơn rất nhiều so với các chủng đã biết.
Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang là mối nguy hiểm cho người dân toàn thế giới, ngay cả tại các quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao |
“Tam giác quỷ”, mối lo ngại cho toàn thế giới
Vì rất nhẹ, có khả năng lơ lửng và tồn tại trong không khí lâu hơn, gây lây nhiễm rộng hơn, nguy hiểm hơn với tính mạng người bệnh cũng như làm giảm hiệu quả của nhiều loại vaccine, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang là mối nguy hiểm cho người dân toàn thế giới, ngay cả tại các quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao như Do Thái và Anh Quốc.
Hôm 23-6, nước Nga ghi nhận 548 trường hợp tử vong vì Covid-19, con số kỷ lục trong một ngày kể từ tháng 2 năm nay. Cùng ngày, quốc gia này có gần 17.600 ca nhiễm mới. Theo những người có trách nhiệm tại Nga, biến chủng Delta chính là thủ phạm.
Sự gia tăng trở lại cả về số người chết cũng như ca nhiễm tại Nga và nhiều nước khác có nguồn gốc từ một biến chủng được phát hiện ở Ấn Độ (Delta bắt nguồn từ biến chủng này) đang đẩy nước này vào vực thẳm của đại dịch và cản đường cả thế giới thoát khỏi Covid-19 sớm hơn.
Ở Mỹ, nơi tính đến tối thứ Ba, 65,5% dân số trưởng thành đã tiêm một mũi vaccine Covid-19, hãng tin CNN dẫn lời TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết Delta là “mối nguy lớn nhất” đối với các thành quả chủng ngừa của nước này. Theo ông, Delta dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn các biến thể trước đây.
TS. Peter Hotez, thuộc Đại học Y khoa Baylor ở bang Texas, nói với CNN rằng tại Anh biến chủng Delta đã lây lan toàn quốc. Ông e rằng tình trạng tương tự sẽ lập lại ở Mỹ chỉ trong vòng vài tuần nữa. Trước ngày 5-6, Delta chiếm khoảng 10% số ca nhiễm mới ở Mỹ. Nhưng đầu tuần này, con số đã lên đến 20%.
Chống “Tam giác quỷ” được không?
CNN cho biết biến thể Delta đang gây rủi ro cho Mỹ dù quốc gia này đạt được kết quả tốt trong nỗ lực dập dịch và đang trên đường tiến đến mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nếu người dân biết tận dụng thời cơ, họ có công cụ giúp khống chế được mối nguy hiểm này: vaccine.
Hôm thứ Ba, TS. Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Hoa Kỳ, nói như sau trong một buổi họp báo ở Nhà Trắng: “Các vaccine ngừa Covid-19 đều sẵn sàng (tiêm chủng ngay lập tức và hoàn toàn miễn phí) cho mọi công dân Mỹ từ 12 tuổi trở lên. Hiệu quả của các vaccine nay đạt gần như 100% trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Điều này có nghĩa là gần như mỗi trường hợp tử vong do Covid-19 gây ra hiện nay đều là một bi kịch bởi vì hầu như tất cả các trường hợp thiệt mạng, nhất là đối với người trưởng thành, tại thời điềm này đều hoàn toàn có thể tránh được”.
Trong khi đó, TS. Fauci khẳng định: “Tin vui là vaccine của chúng ta có thể chống được biến thể Delta. Đây chính là công cụ phòng ngừa”.
Nói rõ hơn, ông Fauci cho rằng các vaccine dựa trên công nghệ mRNA, chẳng hạn như Pfizer/BioNTech và Moderna, có thể chống được biến thể Delta. Vaccine Pfizer đạt hiệu quả 88% trong việc chống biến thể Delta hai tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.
“Khi chúng ta nhìn vào số ca nhập viện, cả vaccine Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca đạt hiệu quả từ 92% đến 96% trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19 phải nhập viện”, ông nói.
Tương lai nước Mỹ và biến chủng Delta
TS. Anthony Fauci khẳng định đa số người Mỹ tử vong vì Covid-19 hiện nay chưa chủng ngừa.
TS. Rochelle Walensky cũng đồng tình với nhận định trên. Bà nói: “Virus SARS-CoV-2 là một tên cơ hội. Ai còn chưa chích ngừa, thì con virus này vẫn tiếp tục là mối đe dọa lớn”.
Ông Fauci nói mình không nghĩ là số ca nhiễm Covid-19 sẽ tiếp tục tăng mạnh như năm 2020. Tuy nhiên, nếu các cộng đồng ở Mỹ tiếp tục chần chừ với việc tiêm ngừa, họ sẽ phải gánh chịu tình trạng lây nhiễm tăng vọt. Do đó, thử thách trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay chính là làm sao chủng ngừa cho càng nhiều người Mỹ càng tốt.
Nước Mỹ chắc sẽ không đạt được mục tiêu do Tổng thống Joe Biden đặt ra: 70% người Mỹ tiêm một mũi vaccine trước ngày Quốc khánh Mỹ (4-7) vì nhiều người trẻ vẫn còn chần chừ với việc tiêm ngừa trong khi nỗ lực chủng ngừa ở một số bang hết lửa.
Ngay cả Vermont nơi có hơn 81% dân số đã chủng ngừa Covid-19, bang này vẫn gặp khó trong việc kêu gọi thanh niên chủng ngừa.
Thêm vào đó, một số bang có tỷ lệ tiêm ngừa thấp mà cố gắng của họ đang vơi dần. Điều này khiến tỷ lệ chủng ngừa toàn quốc bị giảm mạnh, ông Fauci khẳng định.
“Một số bang và một số vùng có tỷ lệ chủng ngừa thấp trong khi chúng ta muốn nâng lên. Chúng ta muốn thanh niên, nhất là các bạn từ 18 đến 26 tuổi, phải đi tiêm ngừa”, ông nói.
Theo dữ liệu thống kê của CDC, bốn bang Alabama, Louisiana, Mississippi và Wyoming là nơi có tỷ lệ người lớn chủng ngừa một mũi vaccine dưới 50%. Ông Fauci cũng cho biết thêm tại một số nơi, tâm lý nghi ngờ vaccine không chỉ có ở người trẻ mà cả những người khác. Do đó, một số chuyên gia y tế lo ngại liệu toàn nước Mỹ có kịp chủng ngừa để ngăn số ca nhiễm tăng cao vào mùa thu và mùa đông hay không.
Biến chủng Delta lây lan mạnh đến nỗi trừ phi tỷ lệ chủng ngừa đạt đến ngưỡng mong muốn, các đợt bùng phát dịch Covid-19 lại sẽ diễn ra trong tương lai, theo William Lee, Phó chủ tịch phụ trách khoa học của Helix, một công ty có các thử nghiệm Covid-19 đã giúp xác định một số biến thể của SARS-CoV-2.
Biến chủng lây lan nhanh như Delta đòi hỏi tỷ lệ chủng ngừa toàn dân phải cao hơn để đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng cần thiết, vị phó chủ tịch này giải thích.
“Đáng lo hơn là có một số nơi người dân vẫn chưa tiêm ngừa và tôi e rằng biến chủng Delta sẽ nhanh chóng lây lan trong khu vực này”, ông Lee nói thêm.
CNN dẫn nguồn một số tổ chức thăm dò ý kiến cho biết một trong số năm người Mỹ trưởng thành nói họ sẽ không tiêm vaccine Covid-19.
Bài học cho Việt Nam
Nếu các chuyên gia y tế Mỹ lo ngại về biến chủng Delat một, chúng ta phải lo mười, bởi lẽ tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn thấp xa nước Mỹ.
Ít nhất hai bài học có thể rút ra ở đây. Thứ nhất, mục tiêu chủng ngừa Covid-19 cho toàn dân của Chính phủ không chỉ là đúng đắn mà phải trở thành mệnh lệnh trong thời điểm hiện nay để cả hệ thống chính trị dồn mọi nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu này. Vấn đề khó là tìm đâu ra đủ nguồn vaccine hiệu quả. Có thể phải chờ một thời gian. Trong khi đó, mọi người cùng đồng lòng tuân thủ các biện pháp chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh vì mỗi ca bệnh không chỉ liên quan đến bản thân và gia đình mình mà còn đến nhiều người khác trong cộng đồng.
Thứ hai, từ nay đến ngày có được vaccine cho mọi người dân, tất cả chúng ta phải chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng tiêm ngừa ngay khi có thể. Chỉ có miễn dịch cộng đồng mới đẩy lùi được đại dịch. Nên nhớ rằng mỗi người trong chúng ta là một phần của cộng đồng đó.
Mong rằng mỗi người Việt sẽ vui vẻ chích ngừa mà không cần phải áp dụng biện pháp mạnh nào, như Tổng thống Philippines Duterte phải dọa bỏ tù người không chịu tiêm chủng.
--------------------------------------
(1)Một trong các nghĩa của từ “delta” là “tam giác”, khiến người viết liên tưởng đến “Tam giác quỷ” (Bermuda Triangle), nơi một số phương tiện như máy bay và tàu thuyền được cho là đã mất tích một cách bí ẩn.
(2)https://vnexpress.net/bien-chung-delta-tai-tp-hcm-nguy-hiem-the-nao-4294352.html
----------
Nguồn tham khảo:
- https://edition.cnn.com/2021/06/23/health/us-coronavirus-wednesday/index.html
- https://edition.cnn.com/2021/06/22/health/us-coronavirus-tuesday/index.html
- https://edition.cnn.com/2021/06/22/health/covid-variant-delta-gamma/index.html
Xem thêm: lmth.gnohk-coud-yuq-caig-mat-gnohc/827713/nv.semitnogiaseht.www