Sau một ngày xét xử, tối ngày 24/6, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án đối với cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) và “thuộc cấp” trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ vào kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa cùng toàn diện hồ sơ vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm đủ cơ sở kết luận: Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Cơ quan điều tra xác định, tổng số các thiết bị y tế mua là hơn 4 tỷ đồng, được nâng khống thành hơn 9 tỷ đồng. Theo đó, số tiền Nhà nước bị thiệt hại là hơn 5 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, toàn bộ số tiền thiệt hại đã được thu hồi cho Nhà nước. Các bị cáo cũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.
Cơ quan công tố cáo buộc, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hoá, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thấu 15 theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Cảm đã lợi dụng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thoả thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế gói thầu 15, ấn định giá là 9,54 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường;
Trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị can Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu; Ghi lùi ngày ký để hợp thức hoá các thủ tục chỉ định thầu...
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Cảm – người được xác định là chủ mưu vụ án đã thừa nhận sai phạm trong việc bàn bạc, thỏa thuận với các bị cáo khác để chỉ định thầu, nâng khống giá thiết bị y tế. Tuy nhiên, người này cho rằng bản thân không cố tình phạm tội.
Về phía tòa cấp sơ thẩm đánh giá: Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây mất uy tín cho cơ quan Nhà nước. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết.
Trong vụ án, bị cáo Cảm là người chịu trách nhiệm chính tại CDC Hà Nội, trực tiếp ký hợp thức các quyết định trong thủ tục chỉ định thầu không đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo cấp dưới hợp thức các hồ sơ liên quan… Do vậy, bị cáo Cảm có vai trò cao nhất trong vụ án; các bị cáo ở CDC Hà Nội là đồng phạm giúp sức. Bị cáo Đào Thế Vinh có hành vi gian lận trong đấu thầu, có vai trò giúp sức cho Nguyễn Nhật Cảm.
Xét kháng cáo của các bị cáo, xét thấy các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, các bị cáo tại CDC Hà Nội đều có quá trình công tác tốt, các bị cáo đều phạm tội lần đầu, nhân thân tốt…, nhưng điều này đã được Tòa sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ.
Vì các lẽ trên, tòa cấp phúc thẩm tuyên bố không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm y án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội này, Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh lĩnh 6 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Thị Kim Dung và Nguyễn Trần Duy bị phạt 6 năm tù. Còn bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh phải nhận 5 năm tù. Các mức án trên đều có hiệu lực thi hành ngay sau khi tòa tuyên án.