Các hàng quán, dịch vụ ăn uống ở biển Thuận An vắng vẻ - Ảnh: ANH TUẤN
Nhiều ngày qua, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi tắm biển Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) thắc mắc về quy định trái ngược giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Phú Vang về việc cho phép các quán ăn hoạt động trở lại.
Qua đó, hiện nay UBND huyện Phú Vang vẫn chưa cho phép các quán ăn, nhà hàng trên các bãi biển hoạt động trở lại, trong khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn cho phép các quán ăn hoạt động trở lại 50% công suất từ ngày 11-6.
Việc quy định của UBND huyện Phú Vang khác với UBND tỉnh khiến cho các hộ kinh doanh phải đóng cửa, gây thiệt hại nặng nề dù từ đầu hè bà con vẫn đóng thuế, phí thuê mặt bằng.
Trước đó, ngày 10-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo từ 0h ngày 11-6, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...) trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và tối đa 50% công suất phục vụ.
Ngày 24-6, bà Trần Thị Hoài Trâm, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thông báo số 89 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ tạm dừng hoạt động tắm biển, các hàng quán kinh doanh tại bãi biển vẫn được hoạt động 50% công suất.
"Về quyết định dừng hoạt động dịch vụ ăn uống ở bãi biển Thuận An của huyện Phú Vang, tỉnh đã ủy quyền quyết định các biện pháp phòng chống dịch cho các huyện tùy theo tình hình cụ thể tại địa phương để quyết định", bà Trâm cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thanh Long - chủ tịch UBND huyện Phú Vang - cho biết việc tạm dừng dịch vụ ăn uống tại các bãi biển trên địa bàn huyện là vì sức khỏe cộng đồng, chung tay phòng chống dịch bệnh. Hiện các quán ăn khác trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường với công suất tối đa 50%.
"Từ đầu tháng 6, rất nhiều lao động địa phương từ các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... trở về quê nên nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất lớn. Thời tiết những ngày này nắng nóng, người dân thường có thói quen ra biển ăn uống nên nguy cơ lây bệnh cao, vì thế huyện đã tính toán và đưa ra biện pháp phòng dịch tạm dừng các hoạt động dịch vụ ăn uống tại các bãi biển. Huyện sẽ tính toán chính sách giảm trừ tiền thuế và tiền mặt bằng cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các bãi biển để người dân không bị thiệt hại nhiều", ông Long chia sẻ.
TTO - Sau 28 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hạ cấp phòng dịch. Tuy nhiên tỉnh này vẫn duy trì việc cách ly tập trung với người từ vùng dịch, đặc biệt là từ TP.HCM và Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.63660037142601202-gnohk-ion-nav-neyuh-auc-om-neib-iab-o-na-nauq-pehp-ohc-hnit/nv.ertiout